Góp ý xây dựng bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập
(ĐCSVN)- Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các cấp hành chính được ban hành sẽ là chìa khóa tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong xây dựng thành công xã hội học tập ở nước ta giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp nhằm lấy ý kiến đóng góp để sớm ban hành được Bộ tiêu chí theo yêu cầu của Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VA |
Theo GS,TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ do tác động của Cách mạng 4.0, nước ta cần phải xây dựng được con đường tri thức thông qua xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện xây dựng mô hình xã hội học tập và coi đó như một công cụ quản lý, đánh giá tình trạng xây dựng xã hội học tập ở các cấp. Đây là một giải pháp để các cấp chính quyền tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thuộc quyền quản lý của các cấp (giống như Bộ tiêu chí đánh giá cấp xã, huyện, tỉnh trong chương trình xây dựng nông thôn mới...).
Dự thảo “Tiêu chí đánh giá mô hình xã hội học tập cấp xã, huyện, tỉnh” giai đoạn 2022 – 2030 do Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng được thiết kế theo một khung thống nhất bao gồm ba tiêu chí cơ bản: Điều kiện để xây dựng mô hình xã hội học tập trên địa bàn hành chính; Kết quả học tập của nhân dân trên địa bàn thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu được quy định cụ thể trong Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Hiệu quả, tác dụng của việc học tập của công dân trên địa bàn đối với sự phát triển kinh tế, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và văn hóa, môi trường ở địa phương.
Bộ tiêu chí sẽ phân làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2022 – 2026. Sau khi tổng kết giai đoạn 1, dựa vào tình hình thực tế sẽ bổ sung bộ tiêu chí cho giai đoạn 2026 – 2030.
Báo cáo tổng quan hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết khoảng 70% các tham luận tập trung đề xuất bộ tiêu chí phải thật cụ thể, chi tiết. Đồng thời khẳng định: "Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập là công cụ quản lý tiến hành triển khai xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp. Nhờ có bộ công cụ này, trên các địa bàn hành chính các cấp có sự thống nhất tiến độ thực hiện, đặt ra mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn, từ đó bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp".
"Đồng thời, Bộ tiêu chí này cũng là công cụ đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp trong từng giai đoạn. Nhà điều hành triển khai bộ tiêu chí này để đưa vào cuộc sống, nắm được tình hình, kết quả…"
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng việc triển khai các mô hình học tập cấp xã, huyện, tỉnh sẽ rất khó khăn nếu không có "Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập".
Rào cản lớn nhất của xây dựng xã hội học tập là nhận thức về tính cấp bách cần phải học tập của người lao động, với tư cách là nguồn nhân lực. Chìa khóa mở ra vẫn là học tập suốt đời để có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo nên khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước cũng như từng địa phương trong giai đoạn sắp tới.
GS.TS Phạm Tất Dong cũng khẳng định vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong việc thực hiện xây dựng tốt mô hình "Công dân học tập" - đây sẽ là những viên gạch để xây dựng "Xã hội học tập".
Tại Hội thảo, sau khi lắng nghe các ý kiến, tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và đánh giá cao những góp ý của các đại biểu. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, khi có Quyết định số 1373/QĐ-TTg về phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030", Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các bộ ngành đề nghị xây dựng và triển khai. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Hội khuyến học Việt Nam để thực hiện. Bộ GD&Đ rất coi trọng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp. Theo đó cách đây một năm, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo bộ tiêu chí và tổ chức thí điểm ở một số tỉnh.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt nam Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT có công văn nhắc các Sở GD&ĐT tích cực hơn nữa trong thực hiện các mô hình học tập; sớm sửa hai Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT và 22/2020/TT-BGDĐT cho thống nhất, phù hợp; nghiên cứu tất cả các ý kiến phát biểu và kết quả của hội thảo để sớm xây dựng, ban hành chính thức bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương và coi đây là công cụ quản lý.Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các cấp hành chính được ban hành sẽ là chìa khóa tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong xây dựng thành công xã hội học tập ở nước ta giai đoạn 2021 - 2030. Khi bộ tiêu chí đi vào cuộc sống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các cấp, các ngành thực hiện các chỉ tiêu của xã hội học tập, giúp cho các cơ quan quản lý thuận lợi trong việc kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, các chỉ tiêu ở các địa phương, đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện xây dựng xã hội học tập ở các địa bàn hành chính cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố./.