Góp thêm tiếng nói tránh những nỗi đau khôn nguôi do tai nạn lao động
(ĐCSVN) - Tai nạn lao động là nỗi ám ảnh không chỉ của người lao động mà cả người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng. Nhiều người ra đi vĩnh viễn, có người còn sống sót nhưng mang thương tật suốt đời... Do đó, Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng công nhân năm 2024 với chủ “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” sẽ góp thêm tiếng nói “cảnh tỉnh” để tránh những nỗi đau khôn nguôi do tai nạn lao động...
“An toàn là trên hết” được xem là nguyên tắc vàng trong quá trình lao động. (Ảnh: TA) |
“An toàn là trên hết” được xem là nguyên tắc vàng trong quá trình lao động. Nói cách khác, an toàn lao động là trách nhiệm của bên sử dụng lao động phải đảm bảo an toàn lao động cho người lao động trong suốt quá trình làm việc, nhằm tránh xảy ra những trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người lao động. An toàn lao động còn là yêu cầu bắt buộc mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần đặt ra đối với người lao động và đòi hỏi họ cần nắm vững...
Tuy nhiên, trong quá trình lao động, sản xuất, những sự cố với người lao động vẫn thường xuyên xảy ra và gây ra những hậu quả đau lòng. Mới đây nhất, ngày 22/4 đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương khiến dư luận không khỏi xót xa, day dứt.
Cũng trong tháng 4 này, nhiều vụ tai nạn lao động khác đã xảy ra, điển hình như vụ tai nạn tại phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương; hay vụ sập mái kính toà nhà 7 tầng tại ngõ Tức Mạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi tu sửa khiến 2 người chết, 2 người bị thương…
Còn trong năm 2023, trên toàn quốc xảy ra gần 7.400 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản hơn 16.300 tỷ đồng (chỉ tính riêng trong những khu vực có quan hệ lao động trong năm qua)... Đó là những vụ tai nạn được báo cáo và còn rất nhiều vụ tai nạn lao động không được báo cáo lên khi doanh nghiệp tìm cách bưng bít... Những con số “biết nói” này mỗi khi liệt kê ra vẫn luôn khiến cho dư luận không khỏi “giật mình” vì sự “sát thương” của tai nạn lao động là không hề nhỏ. Nó không chỉ là gánh nặng cho xã hội, cho doanh nghiệp mà trước hết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, đời sống hằng ngày của người lao động và những người thân trong gia đình.
Theo thống kê, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản; xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; dịch vụ. Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với một số ngành, nghề có nguy cơ cao như khai thác than trong hầm lò, ngành xây dựng, hay thủy điện… không ai dám chắc rằng sẽ có những giải pháp 100% không để xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng ý thức cảnh giác đối với công tác ATVSLĐ là vấn đề rất quan trọng. Bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Thực tế cho thấy, trong các vụ tai nạn đã xảy ra, vừa có lỗi của người sử dụng lao động và cả người lao động. Đó là người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; sử dụng trang thiết bị không bảo đảm an toàn; chưa đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ “đến nơi đến chốn”. Còn người lao động thì thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, đầy đủ và ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao, thậm chí vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Tại một số địa phương, yếu tố lỗi của người lao động thậm chí còn lớn hơn lỗi của chủ sở hữu lao động...
Để bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của người lao động, pháp luật Việt Nam đã ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thể hiện ở Luật ATVSLĐ, các nghị định, thông tư, quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam. Ví dụ như quy định nếu doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-50 triệu đồng. Mức xử phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào số lượng người lao động mà doanh nghiệp đã không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xem việc huấn luyện định kỳ là hình thức, chưa quan tâm xác đáng đến nhiệm vụ này...
Thiết nghĩ, để hạn chế đến mức thấp nhất và không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong quá trình sản xuất, bên cạnh sự đầu tư hệ thống trang thiết bị và an toàn, việc nâng cao ý thức cũng như thói quen làm việc an toàn của người lao động thì vai trò của chủ lao động là hết sức cần thiết trong việc xây dựng thói quen an toàn trong lao động. Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất.
Do đó, để phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm ATVSLĐ thì trước hết chủ sử dụng lao động phải có tư duy tạo ra một môi trường làm việc không có các nguy cơ mất an toàn. Chủ sử dụng lao động là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn lao động, tai nạn lao động; có như thế mới giải quyết được vấn đề an toàn lao động.
Về phía người lao động phải được hiểu biết hơn về vai trò của mình trong việc loại trừ các nguy cơ không an toàn. Và, khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn phải báo cáo ngay với chủ sử dụng lao động để kịp thời xử lý.
Ngày 26/4 mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2024 với chủ “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Trong tháng hành động (1/5 – 31/5) sẽ diễn ra nhiều hoạt động ở Trung ương, địa phương như triển khai Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ; đối thoại của Hội đồng quốc gia cấp tỉnh về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động thanh tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động,...
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 có mục tiêu thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở thông qua các hoạt động cụ thể như cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Nhưng chúng ta biết chắc rằng, ATVSLĐ không thể gói gọn trong 1 tháng vì chỉ cần vài giây bất cẩn, mỗi phút, mỗi giờ qua đi nếu chủ quan trong đảm bảo ATVSLĐ đều có thể phải trả giá “rất đắt”. Do đó, cả chủ sử dụng lao động và người lao động cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính toán dài hơi, không chỉ gói gọn trong 1 "Tháng an toàn lao động" nào cả./.