Góp phần thúc đẩy làng nghề Quảng Nam phát triển
Ngày 31/12, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Nam đã quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015.
Tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam năm 2015 có 42 sản phẩm của 30 đơn vị đại diện cho hơn 60 làng nghề tiêu biểu trong toàn tỉnh tham gia với các nhóm sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống. Sản phẩm được bình chọn dựa trên các tiêu chí: Đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khả năng phát triển sản xuất; các tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tiêu chí về văn hóa, tính thẩm mỹ; khả năng thay thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Kết quả, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Nam đã chọn trao 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C và 8 giải Khuyến khích. Sản phẩm Mỹ Sơn phố chợ chùa cầu của Tổ Hợp tác Điêu khắc mộc mỹ nghệ Vân Long và sản phẩm Đĩa trái cây của Cơ sở mộc truyền thống Huỳnh Ry đạt giải A. Các sản phẩm của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Cơ Tu ZaRa, bộ sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ của Tổ hợp tác quản lý du lịch cộng đồng Bhơ, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang đạt giải B. Những sản phẩm đạt giải cao sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình khuyến công để tiếp tục cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất.
Năm 2015, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tổ chức UNESCO triển khai thực hiện chương trình “Con dấu xác thực” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại Miền Trung Việt Nam ”. Ngoài việc so sánh và phân biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại Quảng Nam và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác không có nguồn gốc xuất xứ tại Quảng Nam, “Con dấu xác thực” được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 60 làng nghề truyền thống, thu hút hàng nghìn lao động, các làng nghề cũng đã được quy hoạch trở thành các điểm đến trong các tour du lịch. Các sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp tiêu biểu năm 2015 đều xuất phát từ các làng nghề, các khu du lịch vùng sâu vùng xa trong đất liền./.
Đoàn Hữu Trung/TTXVN