Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gỡ vướng chính sách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu

Thứ Năm, 02/03/2023 20:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hoạt động xuất nhập khẩu được Đảng và Nhà nước xác định đóng vai trò quan trọng với phát triển nền kinh tế - xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu.

 Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P)

Ngày 2/3,  tại Hải Dương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Ủy ban nhân dân của 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, đã tổ chức Hội nghị đối thoại: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên.” 

Đây là các địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế và cũng là khu vực tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo ước tính sơ bộ, tổng kim  ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn bốn địa phương đạt khoảng 46 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Phát biểu tại Hội nghị,  ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam là một trong 20 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD.

Tuy nhiên theo ông Hoàng Quang Phòng, vẫn có khoảng 38%  doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước; vẫn còn nhiều mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên. Logistics cũng còn thiếu và yếu. Thủ tục hành chính còn nhiều.

Ông Lê Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng nêu thực tế, có trường hợp doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc là doanh nghiệp phải in giấy chứng nhận kiểm dịch đưa cho cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan. 

Một điểm nghẽn lâu khắc phục là vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.

Theo bà Lương Thu Hương – Chủ tịch Hiệp hội DN Hải Dương cho biết, tỉnh Hải Dương có trên 350 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn FDI là xuất khẩu trực tiếp, nhiều doanh nghiệp trong nước xuất nhập khẩu  thông qua doanh nghiệp trung gian hoặc dịch vụ Logistics. 

Nghị định số 52/2013/NĐCP, Nghị định số 85/2021/NĐ- CP và Quyết định 461/QĐ- CP đã tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, đang và sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong giai đoạn mở cửa thị trường hiện nay. Tuy vậy, bà Hương cho biết, qua theo dõi và nắm bắt phản ánh của các doanh nghiệp thì trong hoạt động xuất nhập khẩu các doanh nghiệp vẫn băn khoăn, lo ngại về một số vấn đề. Trong đó phải kể tới vướng mắc trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, việc cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp). Nộp thuế qua online nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản…

Theo khảo sát mới nhất của VCCI, vẫn có tới 59%  doanh nghiệp gặp ít nhất một khó khăn trong việc tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trình tự kiểm tra chuyên ngành phức tạp, danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tuy kiểm tra chuyên ngành thực hiện ở cửa khẩu nhưng vẫn có những trường hợp doanh nghiệp phải về tận bộ, ngành mới được giải quyết.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp chính sách tạo thuận lợi thương mại trong điều kiện hiện nay.

Đại diện doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, bà Lương Thu Hương kiến nghị các bộ ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua 1 cửa đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA. 

Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, đặc biệt là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Văn Thể kiến nghị, để công tác thương mại xuyên biên giới mang lại hiệu quả cao, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tiếp tục giảm thiểu các thủ không cần thiết, rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu thương mại, đầu tư. Cùng với đó cần khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xuyên biên giới...

Còn theo ông Đặng Thế Phương – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, để đạt được hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại xuyên quốc gia, các bộ, ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA, loại bỏ những giấy phép, những điều kiện không thực sự cần thiết…

Ông Đặng Thế Phương khẳng định, các doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ việc bảo đảm an ninh hải quan, soi chiếu hàng hóa luồng đỏ theo tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ doanh nghiệp quá tốn kém các chi phí cho việc này.

Với các vướng mắc doanh nghiệp nêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chỉ đạo các Chi cục Hải quan địa phương, làm việc trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp để thống nhất giải pháp tháo gỡ. Với nhóm vấn đề kiểm tra chuyên ngành, lãnh đạo ngành hải quan thừa nhận, đây là vấn đề nói nhiều nhưng thời gian qua chuyển biến chưa được bao nhiêu.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, "Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành hải quan cùng với VCCI sẽ đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Ngành hải quan cũng sẽ làm việc cụ thể với các bộ ngành, kiểm tra chuyên ngành chỉ ra bất cập cụ thể, ưu tiên các đơn vị bộ, ngành vướng mắc nhiều nhất (ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)".

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN