Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gò pạ gò ché – món ăn vừa lạ vừa quen của đồng bào Hà Nhì nơi vùng cao

Thứ Hai, 17/04/2023 15:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Người Hà Nhì là một trong 54 dân tộc Việt Nam, thuộc nhóm ngữ tộc Tây Tạng – Miến Điện, hiện tại có khoảng hơn 25 nghìn người sinh sống tại nước ta. Họ tập trung chủ yếu ở vùng giáp biên giới hoặc vùng núi cao. Cùng với nghệ thuật trang trí trong trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực của đồng bào Hà Nhì rất đặc sắc. Nổi bật trong đó là món rau muối khô - Gò pạ gò ché - được coi như “linh hồn” không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của người Hà Nhì.

   Rau muối khô - Gò pạ gò ché - được coi như “linh hồn” không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của người Hà Nhì.

Văn hóa ẩm thực của các tộc người ở Tây Bắc nói chung, nhất là dân tộc Hà Nhì Lạ Mí, thuộc loại hình văn hóa đồ nướng, đồ luộc. Trước đây người Hà Nhì và đại bộ phận cư dân nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến chỉ ăn cơm tẻ, tất cả các món ăn thường đi kèm với muối ớt. Cơm tẻ đã luộc gạo rồi đồ, ngô đồ, sắn đồ... Các món ăn truyền thống như món luộc, món xào, món rang, món nướng, món tái, món rán, món cháo, món dưa... đều độc đáo và lạ lẫm. Nhưng được bà con Hà Nhì yêu thích hơn cả, là món Gò pạ gò ché hay còn được biết đến là món dưa chua khô.

Người Hà Nhì dùng món dưa chua khô này trong tất cả các bữa ăn từ ngày thường, cho đến ngày lễ tết. Trong mỗi gia đình dù giàu hay nghèo cũng đều chuẩn bị cho mình món Gò pạ gò ché, đến chơi nhà của những người Hà Nhì, thực khách bao giờ cũng được thiết đãi món dưa chua khô nổi tiếng. Gọi là dưa chua khô, vì rau được muối mà không cần ngâm trong nước.

   Các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị cho món ăn ngày Tết.

Món dưa chua khô được người Hà Nhì chế biến chủ yếu từ rau cải, cũng vì nơi họ tập trung sinh sống từ bao đời nay chủ yếu ở vùng núi hoặc biên giới, nên đây là loại rau phù hợp trồng trên nương. Cách làm món ăn này tương đối đơn giản, không khó nhưng lâu nhất là công đoạn chờ dưa đủ độ chua.

Rau cải được bà con hái từ trên nương về, nhặt bỏ hết lá rau bị sâu và ố vàng, sau đó, lá cải được đem rửa qua với nước cho sạch hết đất cát, bụi bẩn. Khi rau đã sạch, người Hà Nhì sẽ đem rau ra phơi nắng trong vài tuần cho rau hơi héo đi, như vậy, lúc muối mới ra dưa có chất lượng ngon.

Trong thời gian chờ rau héo, người Hà Nhì bắt đầu đem chum vại ra rửa sạch, phơi cho ráo nước, những chiếc chum này sẽ dùng để ủ dưa. Khi lá rau cải đã đủ độ héo, họ bắt đầu dỡ ra, đưa vào trong bếp, dùng dao thái rau thành từng đoạn ngắn vừa ăn. Rau thái xong đem ủ cùng muối với liều lượng riêng, phù hợp với khẩu vị mỗi gia đình. Lưu ý, món ăn này không được dùng nước như món cải muối chua người Kinh ở dưới xuôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ cho thêm vài thìa nước chua để đẩy nhanh tiến độ lên men của rau. Rau cải được ủ từ một đến hai tuần là sẽ bắt đầu có vị chua chua, mặn mặn, có mùi cải chua thoang thoảng, thời gian sử dụng từ một đến ba năm. Khi dùng nên ăn kèm với cơm, bún… vì rau tương đối mặn, ăn không rất dễ khát nước. Các chuyến đi xa, đi rừng, lên nương rẫy làm việc… thì đây là món ăn được người Hà Nhì sử dụng nhiều nhất vì rau không có nước nên có thể để được rất lâu, không sợ hỏng do thời tiết.

Món dưa chua khô ngoài ăn kèm với cơm, còn được những người phụ nữ Hà Nhì nêm nếm thêm vào các món ăn truyền thống để tăng thêm hương vị. Ví dụ như có thể xào thịt gà, lợn, khi xào phải vớt dưa và bóp hết nước chua, xào bằng chảo cho mỡ lợn và gia vị muối mắm. Còn lúc ăn với cơm có vị chua và mùi thơm rất ngon miệng. Ngon nhất có lẽ là món dưa xào cá suối. Cá được làm sạch nội tạng, ướp muối rồi cho vào nồi ninh chín thịt mềm xương, sau đó mới cho dưa vào sau, cho gia vị muối mắm vừa đủ sẽ cho ra thành phẩm vừa ngon lại lạ đối với những du khách được thưởng thức lần đầu.

Với nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên đa dạng, phong phú, người Hà Nhì có nhiều nguyên liệu để tạo ra những món ăn đặc sắc. Trong đó dưa muối khô đã trở thành một món ăn được rất nhiều thực khách yêu mến khi đến thăm những gia đình người Hà Nhì.

Ngày nay, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất của cộng đồng ngày càng ổn định hơn, việc nấu các món ăn truyền thống được bà con quan tâm hơn, vừa lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của người Hà Nhì, vừa góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc trên dải đất Việt.

Bài, ảnh: Trung Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN