Gỡ “nút thắt” để nâng hạng thị trường chứng khoán
(ĐCSVN) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng các thành viên đang tích cực xây dựng các giải pháp, chuẩn bị nguồn lực để chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Hàng loạt “nút thắt” đặt ra cần phải tháo gỡ như: “ký quỹ trước giao dịch” đối với nhà đầu tư nước ngoài; giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại); và quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp để giải quyết nút thắt gây cản trở cho việc nâng hạng.
Đến thời điểm hiện tại, giải pháp để vượt qua nút thắt lớn nhất là câu chuyện về prefunding (ký quỹ trước khi giao dịch) đã được Bộ Tài chính thực hiện thông qua hoàn thành dự thảo cuối cùng của thông tư sửa 4 thông tư của Bộ Tài chính. Hiện dự thảo cuối cùng đã được đăng tải công khai bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt và nếu có thêm ý kiến đóng góp, bản dự thảo này sẽ có chỉnh sửa trước khi ban hành.
Theo bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng tăng trường rất lớn nhờ dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao nhất so với các thị trường láng giềng và Việt Nam có nguồn vốn FDI dồi dào.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng có những hạn chế như thị trường phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ phải đầu tư và giao dịch khi tiền chưa về đến nơi hoặc có thể khi họ chưa kịp chuẩn bị được tiền hoặc chuyển tiền vào rồi mà chưa được giao dịch. Ngoài ra, tỷ lệ room nước ngoài chưa cao cũng là một rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) cho biết, để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, việc đầu tư mạnh tay cho công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm đầu tư là rất quan trọng bởi các nhà đầu tư hiện nay khá trẻ. Thống kê của TCBS từ đầu năm đến nay cho thấy, có tới 56% nhà đầu tư của TCBS là nhà đầu tư dưới 30 tuổi. Đây chính là những nhà đầu tư thạo công nghệ và mạnh dạn trong ra quyết định đầu tư, dám chấp nhận thử thách với các xu hướng đầu tư và sản phẩm đầu tư mới. Vì vậy, trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, TBCS đã phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ, không sử dụng môi giới để đưa các thông tin đến với nhà đầu tư nhanh nhất, giúp nhà đầu tư có công cụ tốt nhất để đặt lệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Theo đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm thấy các cơ hội đầu tư, phân bổ tài sản theo các kỳ hạn, tối ưu hoá danh mục đầu tư từ các công cụ backtest (mô phỏng lại giao dịch dựa trên dữ liệu lịch sử, từ đó tìm ra cách hoạt động của chiến lược giao dịch trong tương lai).
Theo thống kê của UBCKNN, trong 24 năm hình thành và phát triển, chỉ từ 2 mã chứng khoán ban đầu, hiện đã có hơn 1.800 mã chứng khoán. Mức vốn hoá thị trường tăng nhanh, với khoảng 300 tỷ USD, bằng 70% GDP và là thị trường có mức vốn hoá được xếp ở vị trí 30-35 trong bảng xếp hạng các thị trường có bước đột phá trên thế giới.
Thanh khoản năm 2024 ở mức gần 1 tỷ USD/phiên giao dịch (chưa tính đến khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp). Trong số 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường thì có khoảng 50% doanh nghiệp có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước.
Khi được hỏi về tiềm năng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cũng đã nói rằng, mặt bằng lãi suất là yếu tố rất quan trọng, nếu lãi suất tiếp tục thấp thì chứng khoán sẽ được ưu tiên hơn, trong khi nếu đầu tư bất động sản thì cần phải có nguồn vốn lớn. Xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, nhưng trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư phải đánh giá được mức chấp nhận rủi ro của mình cũng như tiềm năng của từng kênh đầu tư để có lựa chọn đúng./.