Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gỡ khó cho các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Ba, 20/02/2018 12:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là hình thức sản xuất có điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, đã xuất hiện những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, để nhân rộng thêm những HTX như vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn tới.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi, chế biến cá nước lạnh mang lại hiệu quả cao của HTX Minh Đức (Lào Cai) (Ảnh: KL)

Hiệu quả từ mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có tổng số 193 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 155 HTX trồng trọt, lâm nghiệp (chiếm 85,49%), 18 HTX chăn nuôi (chiếm 9,33%), 20 HTX thủy sản (chiếm 5,18%). Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Tính đến nay đã có khoảng 2/3 trong tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước có các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Những vùng có nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhất là Tây Nguyên (57 HTX), Đồng bằng sông Cửu Long (35 HTX); tiếp sau là Đông Nam Bộ (28 HTX), Đồng bằng sông Hồng (28 HTX), Trung du miền núi phía Bắc (22 HTX), Bắc Trung Bộ (18 HTX) và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (5 HTX).

Triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hoạt động của các HTX nông nghiệp đã cho hiệu quả đáng kể. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm các chi phí như: nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và có thể cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn.

Đơn cử có thể kể đến các HTX ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như: HTX Tân Nông Phát (tỉnh Bình Dương) áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới nên tiết kiệm nguồn nước, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thu lãi 900 triệu đồng. HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (tỉnh Hưng Yên) nuôi thâm canh áp dụng công nghệ “sông trong ao” của Israel đã cho sản lượng tăng gấp 3 lần so với nuôi thông thường.

Thực tế nhiều HTX trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới ở thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy doanh thu đạt 120 – 150 triệu đồng/ha, gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống. Cùng với đó, doanh thu của các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Tĩnh đạt từ 2.000 - 5.000 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân của HTX nông nghiệp từ 950 - 1.200 triệu đồng. 

Tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao vẫn còn thấp

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của HTX vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng. Mới chỉ có 193 HTX/11.668 HTX, bằng 1,65% số HTX nông nghiệp hiện nay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Hàm lượng công nghệ chưa cao, rất ít các mô hình ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Đa số các mô hình chỉ áp dụng công nghệ cao một khâu hay một công đoạn của sản xuất. Liên kết chuyển giao công nghệ cao giữa HTX và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản còn yếu. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản công nghệ cao còn khá mờ nhạt.

Cùng với đó là việc thiếu quỹ đất tập trung để làm công nghệ cao, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến HTX chưa yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đáng chú ý, chưa có thị trường công nghệ và thiếu các tổ chức, cá nhân làm tư vấn cho các HTX trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trên thị trường, giá cả của các sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao hiện nay chênh lệch không nhiều so với các sản phẩm thông thường do khâu tiếp thị còn hạn chế, quản lý thị trường còn yếu kém; chưa khuyến khích được các HTX đầu tư công nghệ cao.

Đặc biệt là việc khó tiếp cận được vốn tín dụng mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, còn khó áp dụng.

Gỡ khó cho HTX ứng dụng công nghệ cao

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để thúc đẩy chất lượng ứng dụng công nghệ cao của các HTX, rất cần tăng cường tập huấn để nâng cao năng lực quản trị của các HTX. 

Bên cạnh đó, hiện nay, vẫn còn nhiều HTX nhận thức rằng nông nghiệp công nghệ cao cần sử dụng nguồn kinh phí lớn, công nghệ hiện đại trong khi các HTX này đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhưng không hay biết. Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đây là vấn đề cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các HTX về ứng dụng công nghệ cao.

Về vấn đề triển khai ứng dụng công nghệ cao, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN&PTNT, nhất là các đơn vị khuyến nông, các đơn vị chủ lực như Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường… cần tăng cường hướng dẫn cho nông dân ứng dụng các công nghệ vào sản xuất.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho HTX ứng dụng công nghệ cao, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn kiến nghị, cần từng bước xây dựng và hình thành tổ chức, bộ phận giới thiệu, cung cấp thông tin công nghệ, tư vấn hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đối với các HTX. Trước mắt giao cho ngành khuyến nông chủ trì, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nghiên cứu, xây dựng mô hình doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển kinh doanh đối với các HTX nông nghiệp.

Cùng với đó, đề nghị bố trí 300 tỷ đồng vốn đầu tư cho các HTX nông nghiệp trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư để hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị các Ngân hàng Thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN