Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giúp trẻ mồ côi có cơ hội phát triển toàn diện

Thứ Năm, 23/11/2023 16:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với tinh thần tự nguyện, hành động bằng cả trái tim yêu thương, những người bố, người mẹ đã tham gia nhận đỡ đầu trẻ mồ côi bằng nhiều hình thức, trực tiếp hoặc gián tiếp. Và mô hình “Mẹ đỡ đầu” thực sự là cầu nối yêu thương - đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi nhất là trẻ em gái, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con, giúp trẻ mồ côi có cơ hội phát triển toàn diện…

Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa với Chương trình/mô hình "Mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi 

Hoạt động đỡ đầu, giúp trẻ mồ côi có cơ hội phát triển toàn diện là một trong các hoạt động nhằm “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” đặc biệt là trẻ mồ côi. Trẻ em là hạnh phúc của gia đình - chủ nhân tương lai của đất nước. Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều trẻ em chưa được hưởng đầy đủ hoặc một phần quyền cơ bản của mình. Mất đi người thân vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có không ít câu chuyện về những đứa trẻ mất người thân trong đại dịch COVID-19, do tai nạn bất ngờ... luôn gây nhói lòng và ám ảnh cho cộng đồng.

Và để chung tay khắc phục khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tháng 10 năm 2021, Hội LHPN Việt Nam đã phát động chương trình thực hiện mô hình“Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em gái, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng. Tại Thanh Hóa, chương trình được các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang đồng loạt thực hiện và mở rộng hỗ trợ đối tượng mồ côi vì nhiều nguyên nhân khác nhau, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội với nhiều việc làm tử tế của những “mẹ đỡ đầu”, “nhóm mẹ đỡ đầu”, “bố đỡ đầu”, “tổ chức, đơn vị đỡ đầu”... dành cho trẻ mồ côi nói chung và trẻ em gái mồ côi nói riêng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

 Các tổ chức/ cá nhân nhận đỡ đầu và tặng quà cho trẻ mồ côi

Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", để mô hình đạt hiệu quả, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã bám sát sự định hướng của TW Hội LHPN Việt Nam, sự ủng hộ của các đơn vị để tổ chức khảo sát các cháu là trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 4.020  trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần nhận đỡ đầu. Từ đó chỉ đạo mỗi cấp Hội căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, nguồn lực sẵn có xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi; Phân công hội viên phụ nữ đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc, giáo dục,  hỗ trợ tâm lý cho trẻ, tìm hiểu các chế độ chính sách đã được thực hiện đối với trẻ mồ côi tại địa phương; triển khai đến các cấp hội về Chương trình “Mẹ đỡ đầu” có thể là cá nhân nhà hảo tâm, có thể là tập thể (tổ chức, doanh nghiệp, Chi hội, CLB, nhóm phụ nữ) nhận chăm sóc nuôi dưỡng, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi; khuyến khích các cấp Hội vận động các tổ chức/cá nhân nhận đỡ đầu để đảm bảo ổn định về môi trường sống, tâm sinh lý của trẻ; tuyên truyền, giáo dục nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ mồ côi.

Mỗi tập thể, tổ/nhóm, cá nhân có thể nhận đỡ đầu một hoặc nhiều trẻ cho đến khi trẻ trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định theo điều kiện/khả năng của tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu hoặc theo nguyện vọng của gia đình; đồng thời thiết lập hệ thống dữ liệu toàn tỉnh, hồ sơ hóa 100% trẻ mồ côi tại địa bàn, phân loại lên kế hoạch hỗ trợ cho từng trẻ mồ côi theo điều kiện thực tế và hoàn cảnh của trẻ mồ côi; tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức cho 1.200 chi hội trưởng ở các huyện, thị, thành phố để trang bị, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện chương trình/ mô hình “Mẹ đỡ đầu hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi”, đảm bảo sự hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi được liên tục, lâu dài và bền vững.

Để chương trình/ mô hình Mẹ đỡ đầu - hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi” được duy trì bền vững và tiếp tục có sức lan tỏa trong cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Đài PT&TH tỉnh tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" nhằm vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu và hỗ trợ nguồn lực cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Tại buổi truyền hình trực tiếp, chương trình đã thu hút 30 đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đỡ đầu 506 trẻ mồ côi với số tiền ước tính hơn 6 tỷ đồng. Ngay sau khi chương trình truyền hình diễn ra, Hội LHPN các cấp đã tổ chức kết nối, gặp gỡ giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm với các con được nhận đỡ đầu, qua đó tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân dịp tết Nguyên Đán 2022 (gặp mặt, trao quà, sổ tiết kiệm...) qua đó tạo điều kiện cho các em sống tự tin và hòa nhập cộng đồng.

Nhằm duy trì tính bền vững cho Chương trình/ mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thành lập 680 “Nhóm mẹ đỡ đầu”, huy động sự tham gia của hội viên phụ nữ và cộng đồng cùng giúp tăng hiệu quả hỗ trợ trẻ mồ côi. Ban quản lý “Nhóm Mẹ đỡ đầu”gồm 5 người 01 trưởng nhóm, 04 nhóm phó. Mỗi người được phân công nhiệm vụ khác nhau như: 01 người phụ trách xây dựng các mô hình nuôi lợn nhựa, biến rác thành tiền thành lập tổ tiết kiệm quay vòng vốn cho các thành viên trong chi hội vay, tiền lãi sẽ được dùng để hỗ trợ trẻ mồ côi… kiểm tra, giám sát các chế độ, chính sách của trẻ mồ côi tại trường học, tại địa phương. Công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn lực cho trẻ mồ côi; 01 người phụ trách thành lập nhóm “Nhóm Mẹ đỡ đầu” trên zalo hoặc Facebook, nhằm tạo sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm và thuận tiện trong triển khai hoạt động của nhóm. Sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, tạo hiệu ứng, tạo sự lan tỏa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm biết đến chương trình để cơ hội kết nối họ với trẻ mồ côi. Kết nối, giữ mối liên hệ với các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm đang nhận đỡ đầu trẻ mồ côi;  01 người phụ trách công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương gương điển hình; 01 người phụ trách mua sắm vật dụng, thực phẩm hàng tháng cho trẻ mồ côi như các nhu yếu phầm gạo, thực phẩm, sữa, quần áo, học phí, đồ dùng, thiết bị học tập…từ nguồn huy động hoặc đóng góp của thành viên; 01 người  phụ trách phân công các thành viên của nhóm thăm hỏi, hỗ trợ trẻ trong việc học tập tại nhà, ngăn ngừa trẻ bị bạo lực, hành hạ, ngược đãi hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Cùng với việc làm trên, tranh thủ nguồn lực để thực hiện Chương trình, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã kết nối phối hợp với Công ty Đại Dũng, thành phố Hồ Chí Minh đỡ đầu 118 trẻ mồ côi đến 18 tuổi với tổng trị giá ước tính 5 tỷ đồng; chỉ đạo Hội phụ nữ Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Lang Chánh, Mường Lát và Quan Sơn xây dựng quy chế hoạt động, quản lý nguồn hỗ trợ từ công ty Đại Dũng báo cáo theo quy định. Trong dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp cùng công ty Đại Dũng, công ty hóa chất Thăng Long tổ chức gặp mặt trẻ mồ côi được các công ty nhận đỡ đầu.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, Báo Thanh Hóa xây dựng hàng trăm phóng sự, tin bài về Chương trình giúp nhiều người biết đến chương trình và tình nguyện tham giavới mong muốn đảm bảo cho trẻ có điều kiện phát triển toàn diện, giúp trẻ em mồ côi xoa dịu nỗi đau, đồng thời tạo điểm tựa vững chắc giúp các em vượt qua hoàn cảnh, bước tiếp trên con đường phía trước. Các cấp Hội phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các chương trình gặp mặt tặng quà cho trẻ mồ côi nhân dịp các ngày Lễ, Tết, Khai giảng năm học mới… để huy động nguồn góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mẹ đỡ đầu - hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi”. Trong 2 năm các cấp hội đã huy động được 3 tỷ đồng từ nguồn bán phế liệu đồng hỗ trợ trẻ mồ côi. Đây là một mô hình giúp huy động nguồn lực cho hoạt động mà không gây áp lực cho hội viên phụ nữ, giúp phân loại rác thải, bảo vệ môi trường góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch.

Với tinh thần tự nguyện, hành động bằng cả trái tim yêu thương, những người bố, người mẹ đã tham gia nhận đỡ đầu trẻ mồ côi bằng nhiều hình thức. Đó là đỡ đầu trực tiếp của cán bộ hội cơ sở, bà con lối xóm đến nhà chăm sóc, động viên tinh thần cho các con, hướng dẫn, giúp con làm việc nhà, học bài, chăm sóc bảo vệ bản thân, hỗ trợ các nhu yếu phẩm, chi phí học tập, sinh hoạt... Hoặc đỡ đầu gián tiếp bằng kinh phí, vật chất thông qua các nhóm mẹ đỡ đầu của hội phụ nữ cơ sở. Kết quả, đến nay các cấp Hội trong tỉnh Thanh Hóa đã nhận đỡ đầu 1.701 trẻ mồ côi với số tiền gần 10 tỷ đồng/năm.

Để tôn vinh, biểu dương mẹ đỡ đầu tiêu biểu và trẻ mô côi vượt khó trên địa bàn tỉnh, tháng 6 năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức chương trình “Hướng dương đón nắng” với sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, MTTQ, các ban, ngành trong tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và 180 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã nhận được cam kết của các tổ chức, doanh nghiệp nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 180 trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi với số tiền trên 11 tỷ đồng; kết nối với các tổ chức, cá nhân trao tặng quà và tiền cho 130 trẻ mồ côi với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Thông qua các chương trình đã động viên, khích lệ sự nỗ lực cố gắng của trẻ mô côi và lan tỏa tình thương yêu của cộng đồng dành cho trẻ, được lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đồng hành với tổ chức Hội trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thực sự là cầu nối yêu thương - đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con. Để Chương trình Mẹ đỡ đầu - hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi” được duy trì bền vững và tiếp tục có sức lan tỏa trong cộng đồng, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để các hoạt động giúp trẻ mồ côi có cơ hội phát triển toàn diện:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, hội viên, phụ nữ và mọi tầng lớp Nhân dân hiểu được ý nghĩa của chương trình; tăng cường kết nối để huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ để các con có điểm tựa hướng tới tương lai.

Hai là: Tăng cường các hoạt động phối hợp thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Kết nối các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên, các tổ chức phi chính phủ để tăng nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em mồ côi, với phương châm “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.

Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thăm hỏi, động viên, chăm sóc, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho trẻ, nhất là trẻ em gái; sử dụng đúng nguồn lực của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm dành cho trẻ mồ côi.

Bốn là: Tiếp tục thành lập Nhóm, CLB mẹ đỡ đầu tại 100% đơn vị có trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu nhằm lan toả việc làm nhân văn đến từng hội viên, cá nhân, tổ chức tại địa phương. Cung cấp thông tin về trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đến các tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm đề nghị hỗ trợ và nhận đỡ đầu các cháu.

Năm là: Thường xuyên giám sát việc thực thi chính sách đối với trẻ em mồ côi đảm bảo an toàn phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng. Hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em, gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được tiếp cận đầy đủ chính sách của nhà nước và các dịch vụ xã hội. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng trẻ mồ côi; tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý, nhận thức cơ bản về giới và bình đẳng giới giữa trẻ em gái và trẻ em trai, giữa nam và nữ...

Hỗ trợ vật chất, tinh thần giúp đỡ trẻ em mồ côi có cuộc sống ấm áp, tốt đẹp hơn, chính là hướng đến mục tiêu vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ mồ côi nói riêng, nhất là trẻ em gái, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc./.

Bích Vân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN