Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giữ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ nếu phải chuyển đổi

Thứ Sáu, 29/07/2016 14:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trước đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc chuyển đổi 1,1 triệu ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, nhất là giảm diện tích rừng phòng hộ ven biển, đầu nguồn, các chuyên gia đều chung quan điểm rằng, cần phải có căn cứ khoa học, thực tiễn rõ ràng.

Rừng trồng hoàn toàn có thể chuyển đổi (Ảnh: HNV)

Theo đó, phải xác định được nước ta cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ và những khu vực cần giữ rừng phòng hộ đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ đó, tiến hành rà soát đánh giá chất lượng rừng, khoanh định diện tích rừng phòng hộ để có cơ chế quản lý tốt hơn nữa. Cần đặc biệt chú ý để quản lý chặt chẽ khu vực xung yếu, không cho chuyển đổi đất đầu nguồn, đất rừng phòng hộ và phải có kế hoạch để triển khai trồng ở khu vực đó.

Theo giải trình của Bộ NN&PTNT về đề xuất chuyển đổi rừng, hiện nay, nước ta đã có 15,7 triệu ha đất được quy hoạch làm lâm nghiệp, trong đó có 14,5 triệu ha đất đã có rừng. Rừng mới chỉ đóng góp 26.500 tỷ đồng hay 3% giá trị tổng sản lượng nông, lâm nghiệp. Bên cạnh giá trị về môi trường thì rừng cũng cần phải đem lại cuộc sống tốt hơn cho những người làm nghề rừng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu giao 1,1 triệu ha đó cho nhân dân thì vừa có rừng mà ngân sách không phải bỏ ra 15.000 tỷ đồng để trồng và bảo vệ diện tích này. Vì thế, nên chuyển một phần diện tích quy hoạch làm rừng phòng hộ, trong đó có 0,5 triệu ha có rừng nhưng nghèo kiệt và không xung yếu, có 0,6 triệu ha chưa có rừng để nhân dân làm ăn, vừa có thu nhập và rừng sản xuất nếu quản lý tốt cũng phòng hộ, khi đó vừa phòng hộ, vừa có động lực để lâm nghiệp phát triển một cách bền vững.

Chia sẻ về nội dung này, TS Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: Thực tế ở nước ta đã và đang phân chia làm 3 loại đất rừng: Phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Tuy nhiên, việc phân chia như vậy cũng chỉ mang tính tương đối, bởi nếu căn cứ theo cách phân chia của thế giới thì chỉ cần có hai loại: Phòng hộ và sản xuất.

Từ trước tới nay, Việt Nam thực hiện theo quan điểm, giữ rừng như hiện trạng đang có, nhưng cũng không thực hiện được do nhu cầu phát triển kinh tế. Do đó, với việc chuyển đổi như đề xuất đã nói ở trên, TS Nguyễn Văn Hà cho rằng, quan trọng là khi chuyển đổi, phải có quy hoạch, cái nào chuyển đổi không ảnh hưởng đến tác động môi trường, vẫn giữ được nguồn nước thì cho chuyển đổi và khi chuyển đổi thì diện tích chuyển đổi phải thực sự phục vụ sản xuất cho người dân, giúp họ sinh sống.

TS Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Ảnh: HNV).

Cũng theo TS Nguyễn Văn Hà, cần đầu tư thâm canh, tăng năng suất, có nguồn thu nhập, quay trở lại bảo vệ rừng, cũng như phải chú ý tới vai trò quan trọng là đảm bảo sinh kế ngoài rừng, trong rừng cho người dân. Ngoài sinh kế trong rừng, phải tận thu tất cả sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, chứng chỉ quản lý rừng; phải lo cho người dân đời sống có thể sống ngoài rừng gắn với các ngành nghề công nghiệp hoặc bất cứ ngành nghề nào khác để tồn tại.

Tổng Cục Lâm nghiệp xác định rõ ràng việc chuyển đổi rừng gắn với quy hoạch, quản lý, khoanh vùng diện tích chuyển đổi không được ảnh hưởng nguồn nước, môi trường, nghĩa là quy hoạch khu vực được phép chuyển đổi và chủ yếu chỉ là khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ, tránh việc tạo ra các kẽ hở nhằm lợi dụng vào chủ trương đúng để phá rừng.

Phân tích về việc tăng độ che phủ của rừng trong thời điểm hiện nay, TS Nguyễn Văn Hà cho biết thêm, việc triển khai giữ hay trồng mới rừng để tăng độ che phủ trong thời gian tới, cần xem xét tiến hành hiệu quả; cũng có thể luân canh sản xuất, làm sao khai thác bền vững, độ che phủ vẫn bình thường. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, mục tiêu đạt tới độ che phủ hiện tính ra chỉ tăng trưởng bình quân bằng 0,3%/năm. Theo Chiến lược rừng đến 2020, độ che phủ rừng chỉ còn trên dưới 42%.

 


GS.TS KH Nguyễn Ngọc Lung (Ảnh: HNV)

Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường và xã hội TS Phạm Quang Tú, việc đề nghị chuyển đổi 1,1 triệu ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất phải xuất phát từ việc bảo vệ tốt và bảo vệ đến cùng những diện tích rừng tự nhiên hiện có. Chuyên gia Phạm Quang Tú ủng hộ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên phải được bảo vệ và không chuyển đổi, còn nếu các diện tích còn lại thuộc diện rừng trồng thì hoàn toàn có thể chuyển đổi.

TS Phạm Quang Tú cho biết, rừng phòng hộ chủ yếu là rừng tự nhiên và một phần rừng trồng. Theo TS Tú, cần phải bảo vệ tốt và bảo vệ đến cùng những diện tích rừng tự nhiên hiện có. Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có giá trị về sinh thái nhiều hơn nên giữ giá trị sinh thái ấy, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải chuyển đổi sang phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

TS Phạm Quang Tú cũng khuyến cáo, điều lo lắng nhất là lợi dụng chuyển từ ba loại rừng thành hai loại rừng cũng như lợi dụng chủ trương đúng để khai thác rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Về nguyên tắc chuyển đổi thì nhất trí, nhưng về phương án chuyển đổi thì phải thực sự chặt chẽ: Chuyển đổi ở đâu, lô khoảnh nào… phải có phương án và phê duyệt cụ thể.

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tự nhiên Việt Nam, việc tiến hành chuyển đổi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự đa dạng từ các góc nhìn kinh tế, lâm sinh, môi trường. Điều kiện tiên quyết vẫn là ở bản chất xác định lâm nghiệp thuộc lĩnh vực nào để có những điều chỉnh chính sách kịp thời. Quan trọng hơn cả là yếu tố con người với nhận thức thế nào, tổ chức ra sao và cơ chế giám sát thực hiện minh bạch.

Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, quan điểm chuyển đổi, phát triển hay giữ vững, bảo vệ rừng cũng không được cực đoan, mà cũng tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thích hợp từng vùng, từng miền để có những điều chỉnh hợp lý, đảm bảo cả phát triển kinh tế mà vẫn giữ vững môi trường… “Theo tôi, lâm nghiệp đến thời điểm này chính là vì mục tiêu bền vững, vì môi trường. Đã đến lúc phải cảnh báo các nhà hoạch định chính sách để có những điều chỉnh kịp thời, thực sự vì phát triển môi trường, đóng bao lâu, chuyển đổi như thế nào và giữ được bao nhiêu rừng” – GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh./.

Lê Anh – Phương Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN