Giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí công đoàn - cơ sở để bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động
(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Đây được xem là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh, xứng tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào sáng 24/10, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ, việc sửa đổi Luật Công đoàn đảm bảo quán triệt, thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với tổ chức công đoàn.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào sáng 24/10 (Ảnh: quochoi.vn) |
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.
Trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, ý kiến phát biểu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mạc của kỳ họp, đó là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển...
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2% phí công đoàn. Kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở hiện nay là 75% để chăm lo cho người lao động.
“Thực tế rất hoan nghênh nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động. Về doanh nghiệp gặp khó khăn, dự thảo Luật đã quy định tại Điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn 2012 là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn” - đồng chí Nguyễn Đình Khang nói.
Nêu quan điểm về mức thu 2% kinh phí công đoàn, đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng đây là quy định hợp lý. Thực tiễn tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ hoạt động cho thấy, nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.
Đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu. |
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhất trí cao với việc giữ 2% kinh phí công đoàn, cho rằng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người lao động. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Hoàn toàn ủng hộ quan điểm giữ nguyên quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn 2012, theo nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, việc dự thảo Luật Công đoàn đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến có quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với giai cấp công nhân, có tính kế thừa trong các quy định của pháp luật về công đoàn và đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, người lao động.
"Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới cũng đã nêu rõ xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, trong đó nhấn mạnh: “Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Do đó, việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% là có tính kế thừa lịch sử và phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của đất nước, quan điểm của Bộ Chính trị" - ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Cán bộ Công đoàn trao đổi với người lao động trong "Bữa cơm Công đoàn" . |
Khảo sát tại các công đoàn cơ sở cũng cho thấy, mức đóng này đã giúp tăng cường khả năng chăm lo cho đoàn viên công đoàn, từ các hoạt động phúc lợi, thăm hỏi đến các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng. 75% số kinh phí này đã được phân bổ cho công đoàn cơ sở để sử dụng trực tiếp cho các hoạt động phúc lợi của người lao động, bao gồm thăm hỏi ốm đau, quà tết, hỗ trợ văn hóa, thể thao…
Tổ chức công đoàn cho rằng, việc giữ nguyên mức đóng này được đánh giá là cần thiết để đảm bảo không gây ra "cú sốc" về phúc lợi cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức công đoàn đang nỗ lực thu hút, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới về kiểm tra, thanh tra, và kiểm toán công đoàn. Các Điều 31, 32 và 33 trong dự thảo đều được chỉnh sửa nhằm tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng, đảm bảo việc sử dụng kinh phí công đoàn được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả./.