Giữ gìn, phát huy các hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới
(ĐCSVN) - Hội thảo đã làm rõ nội dung, nội hàm và thành phần cơ bản của các hệ giá trị; từ đó tìm ra giải pháp khả thi trong triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa; hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung, vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng.
Ngày 08/11/2024, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Vùng đồng bằng sông Hồng”.
Các đồng chí: Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, cụ thể hóa các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), gắn với tình hình thực tiễn của Vùng đồng bằng sông Hồng; từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện; góp phần củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa nói chung, xây dựng các hệ giá trị nói riêng trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu chào mừng Hội thảo |
28 tham luận cũng như các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã cơ bản xác định rõ nét những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng Nhân dân triển khai thực hiện các hệ giá trị.
Từ đó, xây dựng các định hướng, giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy các hệ giá trị, góp phần phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, các địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước trong giai đoạn hiện nay.
PGS. TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Vùng đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta do có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, có cửa ngõ thông thương lớn và quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các khu vực lân cận và thế giới; tài nguyên thiên nhiên phong phú, là vựa lúa lớn thứ hai của đất nước, có trữ lượng than, khí đốt lớn; có những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, hệ thống đô thị phát triển, có chiều sâu và bề dày lịch sử - văn hóa đa dạng, đặc sắc; dân cư đông đúc, trình độ cao.
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta ghi dấu ấn sự đóng góp quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng trong tiến trình phát triển đất nước ở nhiều chiều cạnh, trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Từ thời Đông Sơn với nhiều di chỉ khảo cổ được tìm thấy không chỉ ở Đông Sơn (Thanh Hóa) mà còn ở rải rác các tỉnh, thành miền Bắc nước ta, trong đó có 11 tỉnh, thành thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã chứng tỏ giá trị, vị thế và bản sắc văn hóa đặc sắc của vùng qua dòng chảy thời gian.
Khẳng định văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, bài tham luận của Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, giá trị văn hóa, con người ngày càng hoàn thiện, xã hội sẽ ngày càng văn minh, tiến bộ. Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hải Dương đã và đang quyết tâm cụ thể hóa các giá trị văn hóa và chăm lo xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, đạo đức, lối sống, nhân cách, trách nhiệm xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có những nét bản sắc văn hóa riêng của mình. Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Bản sắc văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Đây cũng chính là đặc trưng cơ bản, giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Quang cảnh Hội thảo |
Nhấn mạnh bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc được hội tụ bởi nhiều yếu tố cấu thành, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ đó là truyền thống yêu nước và tinh thần quả cảm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Bước vào kỷ nguyên mới, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bắc Ninh nổi tiếng là vùng quê sớm có phong trào cách mạng, nơi ra đời các tổ chức tiền thân của Đảng. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chiến đấu chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân Bắc Ninh đã có những cống hiến to lớn cho cách mạng.
Đó là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo trong sản xuất. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân Bắc Ninh đã đoàn kết, đồng lòng, tìm tòi, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, truyền thống năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của người Bắc Ninh được nâng lên tầm cao mới, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp và là trung tâm công nghệ, điện tử của cả nước.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo. |
Việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các hệ giá trị tại vùng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội, phát triển nhanh và bền vững, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu; góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.
Qua phân tích, làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, nội dung, nội hàm các thành tố cơ bản, Hội thảo cũng khẳng định vai trò của từng hệ giá trị, trong đó xác định, chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng; hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, điều tiết các hệ giá trị khác.
Các tham luận cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng phẩm chất, nhân cách con người với những giá trị nổi bật “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo” đã được chú trọng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng xây dựng gia đình vùng Đồng bằng sông Hồng theo định hướng giá trị “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” đã từng bước được cải thiện. Các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tới sáng tạo các giá trị văn hóa mới theo định hướng: “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.
"Nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh./.