|
Là một trong những địa phương miền núi phía Bắc, dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng trước thời điểm năm 2020, Sơn La luôn được đánh giá là một trong những địa phương nằm trong top đầu cả nước về phát triển người tham gia hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2020-2022 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, cũng là thời điểm công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Sơn La gặp nhiều khó khăn…
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền, đối thoại với người dân trong việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình không triển khai được nhiều, ảnh hưởng tiến độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2021, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La có 40 xã từ vùng III, vùng II trở thành khu vực I.
Điều này khiến số người tham gia BHYT tại địa phương giảm khoảng 186.000 người, tương ứng tỷ lệ người tham gia BHYT giảm từ 95,7% xuống còn 82,7%. Chưa dừng lại, từ năm năm 2022, do mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng kéo theo mức đóng BHXH thấp nhất tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021, khiến công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH, BHYT rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn…
Xác định việc số người dân tham gia BHXH, BHYT giảm không chỉ ảnh hưởng đến công tác bao phủ an sinh tại địa phương mà còn khiến nhiều người dân không được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, bệnh tật và mất đi cơ hội được nhận lương hưu khi về già, BHXH tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong tình hình mới. Trong đó, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo sự vào cuộc của các cấp địa phương trong triển khai chính sách BHXH, BHYT; đồng thời chỉ đạo BHXH các địa phương tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với tình hình thực tế. Cũng từ đây, nhiều mô hình tuyên truyền mới được ra đời.
Từ thời điểm cuối năm 2022 đến nay, người dân xã Nà Bó (huyện Mai Sơn) đã dần quen với hình ảnh lãnh đạo UBND xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân tham gia chính sách BHXH, BHYT. Được biết, đây là mô hình Tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT của BHXH huyện Mai Sơn phối hợp cùng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các xã trên địa bàn triển khai với thành phần nòng cốt là các cấp chính quyền tại địa phương.
Dù khá bận rộn với công việc nhưng ngay khi có thông báo của BHXH huyện xuống phối hợp tuyên truyền, ông Đoàn Quang Dũng- Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã Nà Bó, lập tức sắp xếp để “lên đường” cùng mọi người. Mục tiêu của Tổ xung kích hướng đến ngày hôm nay là gia đình chị Hà Thị Giang (TK8, xã Nà Bó)- một trong những gia đình nuôi “heo đất bảo hiểm” đã đến kỳ “xuất chuồng”.
Theo ông Dũng, đây là chiến dịch nuôi heo đất tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện. Ý tưởng trên do UBND xã Nà Bó phát động thực hiện nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, UBND xã đã bỏ tiền ra mua hơn 70 con heo đất cấp đều cho các Chi hội, từ đó chia lại cho các hội viên tiềm năng để khuyến khích người dân tích góp để tham gia BHXH tự nguyện. “Thông qua mô hình này, bà con sẽ biết cách tiết kiệm tiền hàng ngày để đến khi đủ sẽ báo cho cán bộ Tổ xung kích xuống tận nhà hỗ trợ hoàn thành các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Bản thân tôi cũng trực tiếp xuống chứng kiến bàn giao biên lai để tạo sự yên tâm cho bà con”- ông Dũng chia sẻ.
Là người từng tham gia công tác tại Hội Phụ nữ địa phương và đang tham gia BHXH tự nguyện được hơn 10 năm, chị Giang cho hay, dù gia đình khó khăn, kinh phí tiết kiệm phần lớn chị để đóng BHXH tự nguyện cho bản thân. Tuy nhiên, được sự động viên của Tổ xung kích xã nên chị đã bớt thêm một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày bỏ lợn đất để tham gia BHXH tự nguyện cho cả chồng. Không ngờ sau một năm, khi mổ lợn đất, số tiền tiết kiệm của vợ chồng chị thừa một năm đóng bảo hiểm.
Mới được thành lập nhưng Tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT của xã Nà Bó được coi là mô hình điểm tại huyện Mai Sơn. Cũng nhờ hoạt động hiệu quả của mô hình này mà nhận thức của bà con nơi đây về chính sách BHXH tự nguyện đã dần thay đổi. Theo ông Dũng, trước kia khi cán bộ BHXH huyện xuống tuyên truyền, đôi khi người dân vẫn còn ngần ngại. Tuy nhiên, khi có mặt của những người trong bộ máy chính quyền địa phương thì bà con đã mạnh dạn tham gia. Cũng bởi vậy, mà bản thân anh luôn chủ động “xắn tay” xuống nhà dân để làm cầu nối và trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con tham gia chính sách bất kể sáng, tối, thứ bảy hay chủ nhật…
Với việc giao trực tiếp chỉ tiêu phát triển người tham gia tới từng thôn, bản, cùng những giải pháp, mô hình hiệu quả, chỉ tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn xã Nà Bó đã có 258 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 118% kế hoạch được giao; số người tham gia BHYT từ 62% đã tăng lên 82% dân số… Chia sẻ thêm về kết quả này, ông Dũng cho biết, ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo của UBND, BHXH huyện về việc thành lập các Tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, lãnh đạo UBND xã đã nhanh chóng thành lập Tổ xung kích với nòng cốt là các cán bộ trẻ nhiệt huyết, người có uy tín và đặc biệt là có “duyên” trong dân vận. Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn đã gia tăng đáng kể.
Từ thực tế tại Nà Bó, có thể thấy, muốn nhận được sự tín nhiệm của người dân thì vai trò người đứng đầu trong lòng dân là rất quan trọng. Huyện Mai Sơn hiện có gần 300 người có uy tín, trong đó có tới 99% là người DTTS- đây là những hạt nhân tiêu biểu, bằng uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình của mình đã phát huy vai trò “cầu nối” giữa chính sách của Đảng với dân. Vì vậy, việc đưa những người đó vào Tổ xung kích nhằm phát huy vai trò người đứng đầu gương mẫu cũng như tạo lòng tin cho nhân dân sẽ góp phần quan trọng trong công tác vận động, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.
Theo Quyết định 861/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, huyện Mai Sơn có 8 xã khu vực II được phê duyệt là xã khu vực I, với hơn 40.000 đối tượng người DTTS không được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT. Trước tình hình trên, BHXH huyện Mai Sơn đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức truyền thông đa dạng, phù hợp với tình hình địa phương, trong đó mô hình Tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT được coi là giải pháp mũi nhọn.
Chia sẻ thêm về mô hình này, bà Bùi Thị Mai Phương- Giám đốc BHXH huyện Mai Sơn cho biết, đây là một sáng kiến của đơn vị nhằm triển khai hiệu quả công tác truyền thông, vận động người tham gia chính sách. Theo đó, mỗi Tổ xung kích của BHXH có ít nhất 2 thành viên để phối hợp cùng Tổ xung kích của xã bao gồm cấp ủy, công chức, bí thư bản, trưởng bản là thành viên trong Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của xã. Nội dung tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng và tuyên truyền, vận động theo nhóm nhỏ đến tận hộ gia đình.
Theo bà Bùi Thị Mai Phương, để các buổi xung kích thành công, công tác chuẩn bị và phối hợp phải rất cụ thể, từ dữ liệu tiềm năng do BHXH huyện cung cấp, UBND xã và Tổ chức dịch vụ thu gửi giấy mời đến từng hộ trong bản, đồng thời trưởng bản phát loa thường xuyên về ngày làm việc của Tổ xung kích để người dân biết cụ thể thời gian, chuẩn bị tiền và giấy tờ để đến đăng ký tham gia. “Trước ngày xung kích BHXH huyện và Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT xã tổ chức hội ý quán triệt về nội dung công việc, chuẩn bị tài liệu, phương tiện đi lại đối với các thành viên xung kích đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích và đúc rút các kinh nghiệm từ các lần xung kích trước”- bà Bùi Thị Mai Phương chia sẻ.
Mô hình Tổ xung kích của BHXH huyện Mai Sơn đã phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT các cấp, cho thấy hiệu quả cao, chỉ trong 1 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai, đã vận động được trên 2.000 người tham gia BHYT tự đóng và nhiều người tham gia BHXH tự nguyện. Cũng nhờ vào hiệu quả của mô hình, đã giúp BHXH huyện Mai Sơn đạt được thành tích ấn tượng trong công tác phát triển người tham gia, với trên 11.000 người mới tham gia BHYT hộ gia đình, trên 18.000 người tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình và gần 700 người tham gia mới BHXH tự nguyện, đưa độ bao phủ BHYT của huyện đạt trên 90% dân số…
Bên cạnh Mai Sơn, huyện Mường La cũng là điểm sáng khi hoàn thành vượt chỉ tiêu người tham gia BHYT năm 2022, với số người tham gia BHYT của toàn huyện là 94.494 người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,4% dân số, đạt 100,3% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Bật mí về bí quyết giúp địa phương hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này, bà Lê Thanh Xuân- Giám đốc BHXH huyện Mường La cho biết, nhận thấy tính khả quan từ mô hình Tổ xung kích của BHXH huyện Mai Sơn, đơn vị đã nhanh chóng triển khai mô hình mới này tại địa phương và cho kết quả cao.
Theo đó, BHXH huyện đã mở các đợt cao điểm ra quân tuyên truyền; phối hợp với Bưu điện huyện, UBND các xã, thị trấn thuộc khu vực I thành lập các Tổ xung kích đến các bản, tiểu khu vận động người dân tham gia BHYT. “Chỉ riêng trong đợt ra quân tháng 10/2022, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động được 1.481 người tham gia BHYT; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền để mua và trao tặng 552 thẻ BHYT. Qua đó, góp phần nâng số người tham gia BHYT của toàn huyện lên 94.494 người”- bà Lê Thanh Xuân chia sẻ.
Mường Bú là xã đầu tiên của huyện Mường La đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người dân trên địa bàn không còn được hỗ trợ đóng BHYT, khiến tỷ lệ bao phủ BHYT của xã thời điểm đầu năm 2022 giảm còn 67,1%. Theo ông Lò Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đời sống bà con hiện vẫn còn nhiều khó khăn nên khi không được hỗ trợ đóng BHYT, nhiều người không thể tái tục tham gia. Ngoài ra, có 1.386 lao động đi làm ăn xa, nên ảnh hưởng đến việc đánh giá tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn.
Năm 2022, xã Mường Bú được giao chỉ tiêu người tham gia BHYT là 9.503 người. Nhận định nếu không có giải pháp đột phá thì địa phương chắc chắn sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ trên, do đó ngay khi được BHXH huyện đề nghị phối hợp thành lập các Tổ xung kích, Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT xã Mường Bú lập tức được kiện toàn.
“Bất kể ngày đêm, ngay khi nắm được thông tin các đối tượng tiềm năng, Tổ xung kích của xã đều có mặt tuyên truyền, vận động kịp thời. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với BHXH huyện tổ chức các buổi xung kích lưu động vào thời điểm cuối tuần tại khu vực đông dân cư. Khi thấy lãnh đạo xã trực tiếp vận động, nhiều người đã tin tưởng và tham gia chính sách… Với nỗ lực trên, trong năm 2022, xã Mường Bú đã vận động được gần 1.000 người tham gia BHYT”- ông Lò Văn Quý chia sẻ.
Nhìn từ các địa phương trên địa bàn huyện Mai Sơn và Mường La có thể nhận thấy một điều là thành viên của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp, đặc biệt là tại các xã, phường tại Sơn La đã rất chủ động đã phối hợp với cơ quan BHXH triển kế hoạch truyền thông đa dạng để đưa chính sách đến với từng người dân. Nhiều tổ chức, đơn vị, địa phương đã cho thấy quyết tâm cũng như sự đổi mới trong công tác phát triển đối tượng tham gia với nhiều cách làm hay, thực tế và hiệu quả. Để có được điều này, cũng phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, cái “tâm” và “tầm” của những người đứng đầu trong Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Sơn La.
Theo đó, hiện thực hóa chủ trương nêu cao trách nhiệm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cũng như gắn mục tiêu phát triển kinh tế với công tác an sinh xã hội thông qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, từ năm 2022, đại diện các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tại Sơn La đã trực tiếp ký bản cam kết hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT với Chủ tịch UBND tỉnh. Đây được coi là “đòn bẩy” cho công tác phát triển người tham gia các chính sách này trên địa bàn Sơn La.
Là người trực tiếp chỉ đạo BHXH tỉnh Sơn La tham mưu để UBND tỉnh tổ chức mô hình ký cam kết trên, ông Đặng Ngọc Hậu- Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Sơn La chỉ ra thực tế, hiện nay tại Sơn La, các chính sách an sinh đã bước đầu lan tỏa, người dân quen dần với việc tham gia BHXH, BHYT. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đã nhìn nhận công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, để đạt được độ bao phủ đảm bảo lưới an sinh xã hội cho người dân thông qua chính sách BHXH, BHYT thì cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền, đoàn thể, phường, thị trấn, tổ, bản.
Theo ông Hậu, đây sẽ là tiền đề để tiến hành ký cam kết của người đứng đầu các địa phương, đơn vị về thực hiện các chỉ tiêu được giao. Từ đó, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về BHXH, BHYT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các địa phương. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể với mục tiêu 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện các chỉ tiêu về BHXH, BHYT… “Thực hiện chính sách an sinh là trách của cả hệ thống chính trị, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Chỉ có làm vậy thì chúng ta mới hoàn thành được các mục tiêu đề ra”- ông Hậu khẳng định.
Sau 2 năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2022, bắt đầu với bao khó khăn, thách thức khi đưa cuộc sống trở lại bình thường trong tình hình mới. Song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của toàn thể CCVC và NLĐ, BHXH tỉnh Sơn La đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT và đạt được những kết quả ấn tượng.
Đáng chú ý, BHXH tỉnh Sơn La đã hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH tự nguyện tăng mới 5.676 người và đặc biệt là số người tham gia BHYT đạt 1.185.293 người, tăng 40.242 người so với năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 96,03% dân số, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giao 95,9% dân số, vượt chỉ tiêu BHYT Thủ tướng Chính phủ giao là 95,3% dân số. Để có được kết quả ấn tượng này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đổi mới, sáng tạo công tác truyền thông chính sách trên địa bàn.
Chia sẻ về thành quả này, ông Thiều Quang Ngãi- Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về BHXH, BHYT, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: thực hiện giao chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho các huyện và phòng Quản lý thu; chỉ đạo BHXH các huyện tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến từng tổ, bản, tiểu khu, ký cam kết hoàn thành chỉ tiêu được giao giữa Chủ tịch UBND các xã với Chủ tịch UBND huyện…
Đặc biệt, BHXH các huyện tham mưu UBND huyện thành lập đoàn công tác làm việc cụ thể với các xã nông thôn mới, xã vùng I; thành lập Tổ xung kích phối hợp với UBND xã tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, đi đầu là BHXH huyện Mai Sơn đã chủ động thành lập các Tổ xung kích phối hợp cùng Tổ xung kích của các xã mở hội nghị tuyên truyền tập trung và tuyên tuyền linh hoạt theo hình thức nhóm nhỏ, để người dân nhận thấy lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, tích cóp cho tuổi già có lương hưu không phụ thuộc vào con cái. “Từ những kết quả mà BHXH Mai Sơn đạt được, BHXH tỉnh Sơn La đã chỉ đạo BHXH các huyện triển khai đồng bộ trên tất cả các huyện trên địa bàn”- ông Thiều Quang Ngãi cho hay.
Theo ông Thiều Quang Ngãi, ưu điểm của mô hình này đã thiện hiện đúng tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh trong triển khai chính sách BHXH, BHYT là huy động sự vào cuộc và gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chỉ tiêu được giao. Với việc các bí thư bản, trưởng bản- những người có uy tín là thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của xã trực tiếp tham gia vào Tổ xung kích đã tạo niềm tin rất lớn cho bà con với chính sách.
“Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, chúng ta cũng cần phải biểu dương tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của các cán bộ BHXH. Bởi để hoàn thành được các nhiệm vụ được giao, bản thân các cán bộ đã phải hy sinh rất lớn quyền lợi, thời gian nghỉ ngơi của mình để tham gia vào các Tổ xung kích mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ. Tuy nhiên, đổi lại là “trái ngọt” khi thêm một người tham gia vào chính sách BHXH, BHYT là thêm một niềm tin cho tương lai, sức khỏe của người dân và xã hội”- ông Thiều Quang Ngãi cho hay./.