Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người Chăm
(ĐCSVN) - Không chỉ có những tháp Chăm hùng vĩ ghi dấu ấn của lịch sử, đồng bào Chăm ở An Giang, Ninh Thuận còn lưu giữ bao báu vật vô giá về văn hóa. Một trong những báu vật đó chính là nghệ thuật dệt thổ cẩm. Với sự đa dạng, phong phú trong hoa văn và lựa chọn cách ăn mặc, phụ nữ người Chăm đã tạo ra những nét riêng trong cách bài trí trang phục, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống của người Chăm. |
Hoa văn thể hiện địa vị xã hội của người mặc
Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết: “Sản phẩm thổ cẩm Chăm không đơn thuần chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn mang nhiều ý nghĩa, triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tư duy mỹ thuật của đồng bào Chăm, bởi nét đặc trưng, tiêu biểu không có nơi nào sánh kịp”.
Trước đây, nghề dệt thổ cẩm, vải tơ lụa của người Chăm từng rất phát triển, những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải. Một phần vì gìn giữ văn hóa, một phần lại vì người phụ nữ Chăm theo đạo Hồi nên hạn chế ra khỏi nhà và họ được khuyến khích làm các công việc gia đình, do đó người con gái Chăm khi còn nhỏ, họ đã được bà và mẹ dạy dệt vải, tạo họa tiết cho trang phục. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mà còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, sự đảm đang của phụ nữ Chăm.
Hoa văn trên vải Chăm rất phong phú và đa dạng, nó phản ánh địa vị xã hội của người mặc. Địa vị xã hội càng cao thì quần áo của họ càng nhiều loại hoa văn. Hoa văn Chăm có 40 loại và chia làm 4 nhóm: hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn chỉ đồ vật và các loại hoa văn khác. Hoa văn trên tấm vải được bố trí theo chiều dọc nhưng không trang trí trên diện tích rộng.
Hoa văn gồm các hình thoi lồng vào nhau và hoa văn được lặp đi lặp lại thành từng khối. Các hoa văn này được bố trí trên toàn bộ mặt vải, trông như những bông hoa hoặc cụm hoa. Hoa văn hình học nhiều màu sắc thường được bố trí ở hai đầu khổ vải và hai đường biên tấm vải. Người Chăm cũng sử dụng hoa văn cách điệu, hoa lá, núi non, chúng được cách điệu bằng đường nét hình khối, riêng các cánh hoa dù được cách điệu hay chân phương đều được bố trí thành những dải xen kẽ trong toàn bộ mảnh vải.
Một nét nổi bật nữa là người Chăm sử dụng những kỹ thuật nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Màu sắc trên vải đều làm từ khoáng vật, thực vật có sẵn ở địa phương như: màu xanh (chàm), màu đen (quả muông), màu vàng (cây jưng), màu đỏ (lõi cây pan) và kết hợp các màu đó để tạo ra nhiều gam màu khác nhau… Cả thiên nhiên tươi đẹp đã hòa cùng sự tài hoa của đôi bàn tay con người để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, chứa đựng những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm đặc sắc.
Nếu khi xưa nhiều gia đình người Chăm nguồn sống chính là dựa vào dệt, những người phụ nữ Chăm ưa sử dụng tơ tằm, bề mặt sản phẩm mịn, nhiều mầu sắc. Thì nay dệt chỉ còn là một nghề phụ bên cạnh các ngành sản xuất khác và bà con sử dụng chủ yếu sản phẩm từ sợi bông, có thô ráp hơn so với lụa nhưng nhìn chung về kiểu dáng, hoa văn trang trí vẫn rất đẹp.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Các sản phẩm dệt thủ công của người Chăm trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. |
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã trải qua hàng thế kỷ. Đến nay, làng dệt thổ cẩm này vẫn nổi tiếng cả nước và được các thế hệ phụ nữ Chăm giữ gìn, phát triển bằng hình thức “mẹ truyền con nối”. Theo thống kê, hiện nay làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có hơn 700 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu, có hơn 500 nghệ nhân, thợ dệt giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với khung dệt thủ công từ thời niên thiếu cho đến tuổi già.
Theo nghệ nhân Thuận Thị Trụ, ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận: Giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp là vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công từ một chiếc khung gỗ dệt có gắn các quả cuốn những sợi chỉ muôn màu sắc để thợ dệt thả hồn mình vào từng “bước” chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn cổ Chăm, từ đó dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp.
Bà cũng cho biết thêm: "Năm 1992 được xem là mốc hồi sinh cho nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp. Ngay năm đó tôi đã thành lập cơ sở dệt thổ cẩm Chăm. Đến năm 2000, tôi thành lập Công ty Thổ cẩm Inrahani với hơn 300 mặt hàng thổ cẩm, đáp ứng thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi. Sự phát triển của Công ty đã tạo việc làm cho 200 phụ nữ nghèo trong địa bàn có thu nhập ổn định".
Ở An Giang, các làng nghề dệt thổ cẩm tập trung chủ yếu tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú. Bà Ro Mắk, thợ dệt ở làng Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái Chăm đã được người bà, người mẹ chỉ cách làm các món ăn, món bánh truyền thống và đặc biệt truyền lại nghề thêu, dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống của dân tộc.
“Tuy công việc này cực khổ nhưng mình thấy rất vui và đây là nghề truyền thống nên mình muốn giữ lại, không muốn nó mất đi, dù cực cách mấy nữa mình cũng cố gắng làm, với lại dệt tay thì màu mè không được sắc sảo nhưng sài nó rất bền. Ở đây dệt 3 sản phẩm, còn một số sản phẩm nữa là lấy ở chỗ khác về để bầy bán cho khách du lịch và bán cho những người trong làng này…”.
Những sản phẩm Chăm được bà con làm ra, ngoài giá trị về mặt kinh tế, thẩm mỹ, những hoa văn được trình bày trên vải còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu sắc trong đời sống tâm linh của xã hội người Chăm nói chung. Những sản phẩm thủ công ấy đã làm cho nghề dệt truyền thống người Chăm mang những nét đặc trưng, tiêu biểu.