Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giao thương và phát triển kinh tế vùng biên giới Việt Nam - Campuchia

Thứ Tư, 16/10/2024 20:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Biên giới Việt Nam - Campuchia không chỉ đóng vai trò là ranh giới địa lý mà còn là đầu mối giao thương quan trọng giữa hai quốc gia, góp phần kết nối các nền kinh tế trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng và tạo sự liên kết giữa các nước thuộc ASEAN. Với hệ thống giao thông phát triển dọc biên giới, khu vực này không chỉ thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa mà còn là điểm đến cho các dịch vụ thương mại, văn hóa và du lịch.

 Campuchia kỳ vọng nâng kim ngạch thương mại với Việt Nam lên 20 tỷ đô la trong năm 2024.

Nhằm khai thác tiềm năng của khu vực, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch phát triển vùng biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2030. Trong tương lai, vùng biên giới này sẽ trở thành khu vực kinh tế trọng điểm về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện và thủy lợi. Đây cũng sẽ là đầu mối giao thông quan trọng kết nối đường bộ, đường thủy và đường hàng không của khu vực phía Tây và Tây Nam Việt Nam.

Để tối ưu hóa hoạt động giao thương, toàn tuyến biên giới được phân thành hai khu vực lớn: khu vực biên giới Tây Nguyên và khu vực biên giới Tây Nam, trong đó có các tiểu vùng kinh tế chuyên biệt. Đến năm 2021, hai nước đã thành lập 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 26 cặp cửa khẩu phụ. Các cửa khẩu quốc tế đã được đầu tư xây dựng với cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn và hệ thống giao thông nội bộ, tạo điều kiện thông quan nhanh chóng và hiệu quả.

 Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang), nơi thông thương với Campuchia.

Việt Nam và Campuchia đã đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu lớn như Bờ Y (Kon Tum), Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), và Hà Tiên (Kiên Giang). Các khu vực này được quy hoạch thành các trung tâm thương mại và du lịch, cho phép người dân và doanh nghiệp từ cả hai nước hợp tác kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các hoạt động du lịch biên giới.

Các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Campuchia cũng là một phần trong chiến lược phát triển của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo quy hoạch giao thông quốc gia, hệ thống đường bộ như Quốc lộ N1 được mở rộng, nối liền các tỉnh biên giới với các khu kinh tế cửa khẩu và góp phần hình thành hành lang kinh tế xuyên Á, mang đến lợi thế lớn cho sự phát triển kinh tế và văn hóa vùng biên giới.

 Cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh - nơi thông thương với nước bạn Campuchia.

Hệ thống giao thông và khu kinh tế cửa khẩu giúp tăng cường kết nối giữa các tỉnh biên giới Việt Nam và Campuchia, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Những nỗ lực song phương trong quản lý và phân giới, cắm mốc đã đảm bảo ổn định an ninh khu vực, đồng thời mở ra cơ hội phát triển và hợp tác kinh tế, góp phần nâng cao đời sống và ổn định xã hội cho người dân hai nước.

Các khu kinh tế cửa khẩu như Bờ Y (Kon Tum), Bonuê (Bình Phước), Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), và Hà Tiên (Kiên Giang) nằm trong quy hoạch phát triển vùng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Hệ thống giao thông xuyên biên giới cũng đang được mở rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở vùng biên giới.

HP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN