Giáo dục ý nghĩa ngày Tết cổ truyền cho trẻ em
(ĐCSVN) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về khi người lớn say sưa hoài niệm “Tết ngày xưa” của mình, thì dường như con trẻ chẳng mấy quan tâm tới những giá trị truyền thống ấy. Với hầu hết trẻ em hôm nay, Tết chỉ đơn giản là thời điểm các em được nghỉ học, mặc quần áo đẹp và nhận phong bao lì xì.
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên đán trước hết là Tết của gia đình. Mỗi năm Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì, ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Những ngày giáp Tết, không khí thật náo nức nhộn nhịp. Từ già trẻ, gái trai đều hào hứng lau dọn nhà cửa, đi chợ mua sắm Tết, xin câu đối về thờ. Trong ký ức của nhiều người hôm nay, cảm giác thích nhất là được ngồi cạnh bà vừa lau lá dong, vừa học cách gói bánh chưng và nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Bên bếp lửa hồng phảng phất mùi khói và hương vị bánh chưng, cả gia đình quây quần bên nhau chuyện trò rôm rả. Đó là Tết của những ngày xưa cũ.
Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại kéo con người vào guồng quay tất bật, vội vã, dường như những giá trị đón Tết truyền thống cũng trở nên nhạt nhẽo hơn. Chị Đào Thị Lệ ở thôn Hòe, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trò chuyện với chúng tôi mà không giấu được nỗi trăn trở: Ngày trước, cứ mỗi khi Tết đến là mình mừng lắm. Ký ức Tết truyền thống mà mình và những bạn bè thế hệ mình trải qua đó là bếp lửa hồng, bánh chưng xanh, được ngồi xem mẹ nấu kẹo lạc hay làm mứt gừng, háo hức phụ bố mẹ trang hoàng nhà cửa. Giờ con cái mình thì chẳng mấy hào hứng với những việc đó. Làm thế nào để con cái chúng ta được trải nghiệm và không thờ ơ với những giá trị Tết truyền thống, phần trách nhiệm lớn nhất là của gia đình và các trường học.
Đã có nhiều trường học quan tâm đến việc giáo dục ý nghĩa ngày Tết cổ truyền cho con trẻ. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm, Trường THCS Trung Thành lại tổ chức cho các em một lễ tất niên nhiều cảm xúc. Cũng chính trong dịp đặc biệt này, nhiều hoạt động ý nghĩa, mang màu sắc truyền thống được tái hiện như: dạy gói bánh chưng, viết câu đối, thi sắp xếp mâm ngũ quả đẹp, tổ chức các trò chơi dân gian... Những hoạt động ấy lại trở nên hấp dẫn, mới lạ trong mắt con trẻ. Trong các em, có không ít những đứa trẻ chỉ biết đến những giá trị truyền thống qua sách báo hay những bài học trong sách vở. Hôm nay, chính các em được trải nghiệm, được tự tay tập gói bánh chưng, viết câu đối Tết... Những đôi mắt tròn xoe, thích thú khi được thầy cô giáo dạy bài học về nghi lễ ngày Tết, về cách ứng xử văn minh khi nhận quà, được tự tay lau lá bánh, được học cách gói bánh chưng. Và rồi sản phẩm đầu tay đó được các em mang về nhà đặt lên bàn thờ như một món quà cho tấm lòng chân thành và sự tâm huyết của thầy và trò trao gửi tới gia đình. Với những đấng sinh thành và với cả những thầy giáo, cô giáo, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là nhìn thấy được những đôi mắt đen, to tròn, thích thú của con trẻ, được thấy con em mình trưởng thành lên trong từng nếp nghĩ.
Dù rất bận rộn mỗi dịp Tết đến nhưng gia đình anh Trần Văn Phúc ở thôn Đông, xã Trung Thành vẫn luôn coi trọng việc giáo dục giá trị Tết truyền thống cho ba chị em còn nhỏ. Anh bảo rằng với gia đình anh, Tết chính là thời gian bận rộn nhất khi các con được nghỉ học mà nhà lại làm nghề kinh doanh. Để các con khi lớn lên vẫn lưu giữ những ký ức đẹp về Tết, vợ chồng anh chị vẫn cố gắng dành nhiều thời gian, cho các con trải nghiệm Tết thật lý thú và ý nghĩa nhất có thể. Gia đình không có thời gian để gói bánh chưng nên quyết định gửi các con lên nhà ngoại cho các con được trải nghiệm. Hai cô chị lớn háo hức thức dậy từ 5 giờ sáng để quan sát rồi tự tay gói được những cái bánh nhỏ xíu. Trong khi gói bánh, ông ngoại không quên kể lại câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh dày” cho các cháu nghe để từ đó các cháu biết được truyền thống của dân tộc. Cuối cùng thì hai chị em cũng biết được cách gói bánh và háo hức ngồi canh lửa, chờ bánh chín. Chị Lệ cho biết thêm truyền thống đi tảo mộ, chúc Tết ông bà, trao nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới... vẫn được nhiều gia đình gìn giữ. Với họ, đó là bài học giáo dục có ý nghĩa, dạy cho con trẻ biết tri ân ông bà, tổ tiên, biết nhớ về cội nguồn. “Việc trao cho con cái cơ hội được tự tay giúp bố mẹ chuẩn bị Tết, theo chúng tôi là cách tốt nhất để con trẻ có thể hiểu sâu sắc những giá trị truyền thống của Tết Việt Nam. Khi ông bà, bố mẹ cùng trải nghiệm với các con, con cái sẽ hiểu thêm tấm lòng của đấng sinh thành, tình cảm gia đình vì thế mà thêm đong đầy qua năm tháng – điều mà mỗi gia đình đều mong muốn”, chị Lệ chia sẻ.