Giáo dục Việt Nam – Thành tựu và thách thức
(ĐCSVN)- Năm 2016 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản và toàn diện, bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở về những việc đáng lẽ ngành có thể làm tốt hơn.
Nhân dịp đầu năm mới Tết Đinh Dậu, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội để nhìn lại một năm đã qua và tìm ra những giải pháp cho ngành Giáo dục trong năm 2017 và nhiều năm tiếp theo.
PV: Năm 2016 ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành Giáo dục. Với quan điểm cá nhân, ông có thể chia sẻ một vài cảm nhận về tình hình của ngành Giáo dục năm vừa qua?
GS.VS Đào Trọng Thi: Ngành Giáo dục trong năm vừa rồi cũng có điểm mới gắn với Bộ trưởng mới. Với tới tư cách là một Bộ trưởng mới nhậm chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có quyết định điều chỉnh lại một số phương hướng hoạt động mà theo tôi đánh giá mang tính tích cực.
Rõ nhất là một loạt văn bản mà Bộ ban hành trong thời gian vừa qua. Để mang tính khả thi, phù hợp với thực tế, Bộ GD&ĐT đã có một bước điều chỉnh và những điều chỉnh đó là mạnh mẽ và nghiêm túc, với tinh thần thẳng thắn nhìn vào sự thật. Có thể điểm ra một vài việc được xã hội hoan nghênh, đồng thuận.
Đó là việc không chấm điểm học sinh tiểu học, trước đó, dư luận cũng băn khoăn, cả trong các thầy cô giáo cũng băn khoăn, tôi cho rằng việc Bộ điều chỉnh, chứ không phải là từ bỏ, cho phù hợp với thực tiễn. Những điều chỉnh ấy không thay đổi nhiều về đường hướng nhưng làm cho văn bản có tính khả thi cao hơn, phù hợp với thực tiễn nhiều hơn.
Về Đề án Dạy học ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ cũng thẳng thắn thừa nhận Đề án không đạt được những mục tiêu đề ra. Và thừa nhận một điều mà trước đó ngay cả khi Đề án này bắt đầu, mọi người trong đó có tôi đã có ý kiến là mục tiêu quá cao. Có nhiều mục tiêu ngay cả những người học chuyên về ngoại ngữ chưa chắc đã đạt được. Trong khi đó, điều kiện thực hiện của mình chưa có, môi trường học ngoại ngữ của mình chưa tốt. Đội ngũ dạy ngoại ngữ của mình chưa tốt… Phải chấp nhận một thực tế là chấp nhận sự thất bại để có sự điều chỉnh.
Hay như mô hình Trường học mới VNEN. Đây là một chủ trương đúng và là một mô hình tốt, nhưng chúng ta tiếp nhận vào một cách ồ ạt với một quy mô vượt quá khả năng kiểm soát của chúng ta. Bởi nó đang từ một đề án có thể nói thí điểm rất tốt, kiểm soát được, thành một đề án viển vông và hoàn toàn mang tính chất hình thức mà không quan tâm đến nội dung, đến bản chất vấn đề. Bởi vậy bị phản ứng là đương nhiên. Với việc này, Bộ GD&ĐT cũng có điều chỉnh và ít nhất dư luận cũng đã yên ắng, chấp nhận được.
PV: Vậy đối với kỳ thi THPT quốc gia 2017, ông có đánh giá thế nào về những điều chỉnh của kỳ thi này?
GS.VS Đào Trọng Thi: Tôi cũng đánh giá cao và ủng hộ những điều chỉnh lại phương án tổ chức thi THPT và có thể nói, kỳ thi đã trở về trạng thái đúng về thực chất, đó là về nguyên tắc không thể kết hợp hoàn toàn hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học (ĐH). Giờ dừng lại ở chỗ, chúng ta sử dụng một phần các kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH và như vậy là rất đúng với tinh thần của Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Điều chỉnh của Bộ GD&ĐT như vừa rồi là chấp nhận được. Vì trên thực chất, kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao cho các địa phương tổ chức thực hiện là rất đúng. Còn các trường ĐH có thể sử dụng kết quả đó một phần, nhiều hay ít tùy từng trường, phù hợp với yêu cầu của mình. Bên cạnh đó, có bước tiến xa hơn là áp dụng thi trắc nghiệm. Điều mà từ trước đến nay chúng ta băn khoăn nhất chính là tính tiêu cực của kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT. Tiêu cực ấy chủ yếu thể hiện trong quá trình coi thi, chấm thi. Chuyển sang thi trắc nghiệm khách quan thì loại bỏ về cơ bản các tiêu cực liên quan đến coi thi và chấm thi. Chấm thi bằng máy, coi thi các em làm theo các đề mã số riêng nên không thể quay cóp, bảo nhau. Tiến tới thi ở trên máy nữa thì sẽ chấm dứt hoàn toàn tiêu cực trong coi thi, chấm thi.
Về đề thi, sẽ tiến bộ lên rất nhiều, nhưng vì chúng ta mới làm nên chắc chắn phải rất quan tâm đến khâu chuẩn bị đề thi. Trong tương lai, khi chúng ta đã có ngân hàng đề thi chuẩn hóa và đủ lớn, khi đó chúng ta sẽ không băn khoăn. Đề thi chuẩn hóa có nghĩa 2 đề thi có thể khác nhau nhưng nó cùng một chuẩn. Và như vậy thì ta mới có thể cho mỗi em một mã đề thi và học sinh không thể quay, chép bài của nhau.
Thứ hai, không cần thi đồng thời một lúc, là vì thi hai năm khác nhau có thể được. Ở ĐHQG Hà Nội người ta còn bảo lưu 2 năm. Anh có thi sang năm thì mức đánh giá đảm bảo là tương đương nhau. Tôi cho rằng như vậy, nếu làm được đến đề thi trắc nghiệm khách quan và đánh giá năng lực sẽ giải quyết triệt để vấn đề thi liên quan đến cả coi thi, chấm thi và ra đề thi.
Như vậy, kỳ thi THPT cũng có bước tiến tốt. Cho đến nay tôi thấy cũng không còn ý kiến gì nữa liên quan đến việc cơ cấu các môn thi, đề thi, chỉ còn quy chế thi thì Bộ còn tiếp tục làm và thử nghiệm trong thực tiễn, nhưng đấy là khâu kỹ thuật. Đấy là những cái mới mà tôi đánh giá rất cao.
PV: Theo ông, nhiệm vụ của năm 2017, ngành Giáo dục nên tập trung vào những việc gì?
GS.VS Đào Trọng Thi: Quốc hội vừa tổ chức tọa đàm đánh giá tình hình các lĩnh vực trong giáo dục. Theo tôi, đối với giáo dục mầm non, hiện nay cái khó nhất của chúng ta là đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ với một chất lượng được đảm bảo cho mọi phụ huynh. Hiện nay, chúng ta đáp ứng còn ít, kể cả cơ sở công lập, ngoài công lập và tính luôn cả nhóm trẻ tự phát, hoạt động không đăng ký thì vẫn chưa đủ nhu cầu gửi trẻ; đặc biệt lứa tuổi dưới 3 tuổi. Chúng ta mới chỉ thực hiện phổ cập cho nhóm 5 tuổi. Nên tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta phải phát triển mạnh cơ sở mầm non ngoài công lập. Để làm được điều này phải có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích khu vực này phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó.
Đối với giáo dục phổ thông, có 4 nhóm vấn đề cần quan tâm. Nhóm thứ 1, tiếp tục hoàn thiện phương án thi cử. Giờ đã đi đúng hướng rồi, nhưng vì chúng ta có lộ trình và đang quá độ tiến tới mục đích cuối cùng, đích cuối cùng chưa thực hiện ngay được vì chúng ta đang đổi mới chương trình, sách giáo khoa… nên chưa thể có được phương án thực sự triệt để. Vì vậy cần tiếp tục đổi mới, mỗi lần chúng ta tiến dần đến đích cuối cùng của nó.
Nhóm thứ 2, tôi cho rằng cũng rất quan trọng đó là đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo Nghị quyết Quốc hội, năm 2018 chúng ta phải có để triển khai cuốn chiếu cho từng cấp học. Nhưng đến thời điểm này chúng tôi rất băn khoăn, sốt ruột vì thấy “yên tĩnh” quá. Giờ có địa phương như TP Hồ Chí Minh biên soạn bộ sách riêng. Tôi cho rằng nếu làm như vậy là trái với Nghị quyết Quốc hội. Chúng ta chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa là chúng ta vận động các tổ chức, cá nhân tham gia viết thêm sách giáo khoa, để nhà trường, học sinh, thầy cô có điều kiện lựa chọn rộng rãi hơn, và như vậy không thể địa phương đứng ra làm. Địa phương đứng ra làm, của chính quyền địa phương thì chẳng nào chỉ cần một văn bản, kể cả không nói yêu cầu các trường thực hiện thì các trường cũng phải theo. Như vây thì mỗi địa phương cục bộ lại có một bộ sách giáo khoa, bắt học sinh của mình phải học theo bộ sách đó, như vậy không đúng.
Nhóm thứ 3, cũng rất quan trọng là phân luồng học sinh, giữa học THPT lên ĐH với các em đi học các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Chúng ta phải chủ động phân luồng để làm sao học sinh ngay từ sau THCS lựa chọn luôn định hướng đi theo học nghề. Học nghề không cần cả chương trình THPT. Nếu các em học trung cấp nghề nghiệp, các em vừa học được nghề để ra làm nghề, đồng thời vẫn được bổ túc thêm kiến thức giáo dục phổ thông mà không phải học toàn bộ 3 năm THPT; học 1 năm thôi. Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa rồi đã tính đến chuyện đó. Khi làm Luật Giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi tích cực đến mức miễn học phí cho các em sau THCS chuyển sang học nghề nghiệp. Nhưng có lẽ cái đó chưa đủ mạnh để chiến thẳng tâm lý vẫn muốn học lên.
Vừa rồi dự thảo quy chế tuyển sinh lại đề ra chuyện bỏ điểm sàn và mở nguyện vọng không hạn chế, có thể mở cửa toang vào ĐH, nhưng việc này có thể giảm đi kết quả phân luồng. Tôi cho rằng, chủ trương này cần tính kỹ, xem có đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH không?. Có ảnh hưởng đến chủ trương phân luồng không?. Vấn đề này Chính phủ phải suy nghĩ kỹ vì nếu không sẽ là một rủi ro lớn về chính sách.
Nhóm cuối cùng là dạy thêm học thêm. Có mấy nguyên tắc để chống biến tướng trong dạy thêm học thêm là: Học sinh phải được lựa chọn học môn gì, học thầy nào trên tinh thần tự nguyện. Muốn đảm bảo điều đó, có 2 việc phải làm là nhà trường không tổ chức dạy thêm trong trường và thầy cô giáo không dạy học sinh chính khóa của mình. Nếu các em học ở ngoài, không bị phụ thuộc vào nhà trường, nhưng lúc đó mình phải quản lý tốt các hệ thống, cơ sở bồi dưỡng kiến thức, dạy thêm ở ngoài để đảm bảo chất lượng, về đội ngũ thầy cô giáo, cơ sở vật chất, chương trình nội dung… và kiểm soát chất lượng, kiểm soát cả vấn đề tài chính. Nhà nước thu thuế để quản lý chặt chẽ. Nếu quản lý tốt như vậy thì chắc chắn việc dạy học thêm ít nhất là theo tinh thần tự nguyện. Một vấn đề đặt ra là các thầy cô giáo ở trường công lập có được đi dạy thêm hay không?. Trong tương lai, nếu ta đảm bảo đời sống cho họ rồi, lương bổng đã đủ rồi thì theo tôi không nên cho các thầy cô giáo được tham gia dạy thêm học thêm nữa, để chăm lo làm tốt công việc của mình.
PV: Vậy còn đối với giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp, vấn đề gì khiến ông trăn trở nhất và muốn có sự chuyển biến?
GS.VS Đào Trọng Thi: Đối với Giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp, đây là khu vực chúng ta rất không an tâm về chất lượng mà chất lượng các trình độ này trực tiếp liên quan đến nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm định chất lượng, công khai minh bạch, công bố cho dư luận xã hội giám sát, quản lý thì chắc chắn sẽ tạo ra một văn hóa về chất lượng; các trường phải phấn đấu để nâng cao chất lượng để nâng cao uy tín, thu hút người học. Phân cấp, phân loại các trường theo chất lượng; nếu chất lượng quốc tế có thể thu học phí cao… Hiện nay, chúng ta đã tham gia vào các thị trường kinh tế, như ASEAN … nếu không làm mạnh chúng ta sẽ thua thiệt trong cuộc cạnh tranh.
Thứ 2, là các trường ĐH, bên cạnh kiểm định chất lượng, chúng ta cũng phải tổ chức xếp hạng, phân tầng để xác định rõ định hướng phát triển, cũng như chức năng nhiệm vụ, phấn đấu để đạt được uy tín, chất lượng nhiều hơn. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT làm lại quy chế đào tạo tiến sĩ cũng là một bước để tăng cường hơn chất lượng của trình độ đào tạo cao nhất. Tôi cho rằng, đào tạo các nhà học thuật, các nhà nghiên cứu cần chất lượng, không cần số lượng; mà chất lượng phải bám vào các chuẩn mực quốc tế để phấn đấu.
Cùng với đó, xã hội hóa giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng, vì cơ sở giáo dục công lập của mình trong 2 lĩnh vực này còn thấp. Công tác xã hội hóa cần làm tốt hơn, phấn đấu để tỷ lệ ngoài công lập tăng nhanh theo đúng mục tiêu đề ra là 40%. Giáo dục ngoài công lập tốt nhất là gắn với doanh nghiệp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp do doanh nghiệp thành lập. Học mà gắn với làm, gắn luôn với sản xuất kinh doanh là tốt nhất.
Rồi tự chủ, đặc biêt là tự chủ trong giáo dục đại học. Tự chủ ở đây mình quan tâm nhiều hơn đến tự chủ ở các trường công lập. Tự chủ công lập hiện nay đang vướng hai chỗ, vì họ không phải ông chủ thực sự nên không có quyền tuyệt đối như là quyết định về tự chủ tài chính. Nhưng cũng phải tìm cách phân loại, đưa ra các quyền tự chủ ở các mức khác nhau cho các trường công lập. Đối với tự chủ về tổ chức nhân sự, có thể giao cho một số quyền theo nghĩa là phân cấp, bỏ bớt quyền của Bộ chủ quản đi và tiến tới là bỏ Bộ chủ quản. Còn đối với tự chủ tài chính, đương nhiên trong khuôn khổ pháp luật, nhưng giờ có nhiều cái mà pháp luật cho phép thì lúc đó chúng ta phải phân loại ra, theo tinh thần đơn vị nào tự đảm bảo chi phí thường xuyên và chi phí đầu tư ở mức độ càng cao thì sẽ được tự chủ tài chính càng cao…
Cuối cùng, tôi cho rằng nếu làm được tất cả những điều như trên, ít nhất sẽ giải quyết được bất cập mà hiện nay chúng ta đang đối mặt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.VS!. Chúc GS.VS và gia đình một năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng!