Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giáo dục và World Cup dẫn đầu xu hướng tìm kiếm nội địa

Thứ Ba, 17/01/2023 16:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngay trước thềm Tết Nguyên đán, trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc chính thức công bố Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật của người Việt (Cốc Cốc Year in Search) năm 2022. Theo đó, giáo dục là chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất trong năm, và vị trí từ khóa phổ biến nhất năm thuộc về “World Cup”.

“Xu hướng Tìm kiếm nổi bật Cốc Cốc - Year in Search” là bản báo cáo thống kê chi tiết với 15 chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất, top các từ khóa truy vấn nổi bật theo chủ đề, nội dung, sự kiện và sự tăng trưởng của các chủ đề tìm kiếm mà người Việt quan tâm trong một năm đã qua.

Giáo dục, chăm sóc nhà cửa, gia đình và thể thao được người Việt ưu tiên tìm kiếm. Ảnh: TL

Các chủ đề được đề cập trong báo cáo năm 2022 bao gồm: Du lịch; Sức khỏe và Sắc đẹp; Đồ ăn; Thể thao; Giáo dục; Tài chính; Bất động sản; Việc làm; Phim ảnh và Chương trình truyền hình; Âm nhạc, Trò chơi; Thương mại điện tử; Xe cộ; Thời trang; Sự kiện và Tin tức; Nhân vật. Như vậy, những chủ đề này có sự thay đổi về nội dung so với năm 2021. Sự thay đổi này được Cốc Cốc dựa trên nhu cầu và hành vi tìm kiếm thực tiễn của người dùng trên Internet.

Đáng chú ý, dẫn đầu các chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất của người Việt năm 2022 chính là Giáo dục với 31% tổng lượng tìm kiếm. Hai chủ đề phổ biến tiếp theo chính là Chăm sóc nhà cửa, gia đình và Thể thao với tỷ lệ lần lượt là 10% và 9%. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của người dùng cho nhu cầu học tập và giải trí hậu COVID-19.

Số liệu thống kê từ báo cáo cho thấy các sự kiện thể thao là tâm điểm chú ý của người Việt trong năm 2022. Trong số các giải đấu thể thao đã diễn ra, Giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) và Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) là hai sự kiện có lượng tìm kiếm và mức tăng trưởng cao nhất. Đây là xu hướng có thể dự đoán khi Việt Nam là một trong những quốc gia yêu bóng đá hàng đầu thế giới. Ngoài ra, sự kiện World Cup 4 năm mới diễn ra một lần, còn Sea Games thì đã 19 năm kể từ khi Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện lần đầu tiên.

World Cup, SEA Games đứng đầu tìm kiếm về Thể thao. Ảnh: TL

Nếu năm ngoái, người dùng Việt Nam quan tâm đặc biệt đến gia tăng nhận thức về COVID-19 thì năm nay, khi dịch bệnh không còn là nỗi ám ảnh của người dân, Du lịch mới là chủ đề có lượng tăng trưởng nhiều nhất trong năm. Lượng tìm kiếm về các địa điểm du lịch nội địa và quốc tế đều tăng mạnh với mức tăng trưởng dao động từ 260% - 700% so với năm 2021.

Cũng trong chủ đề Du lịch, “hộ chiếu mới” là từ khóa nổi bật nhất với mức tăng trưởng lên đến 885%. Bên cạnh đó, các từ khóa như “bị chú nơi sinh/nơi sinh hộ chiếu” là những từ khóa mới xuất hiện, được người dùng Việt tìm kiếm trong năm 2022 do ảnh hưởng từ các vấn đề liên quan đến nơi sinh và việc một số quốc gia châu Âu tuyên bố không công nhận, đồng thời ngừng cấp visa cho những công dân Việt dùng hộ chiếu mới.

Năm 2022 cũng chứng kiến sự sôi động của chủ đề Giải trí. Khi các rạp phim được mở cửa hoàn toàn trở lại trong năm 2022, lượng tìm kiếm về lịch chiếu phim cũng tăng trưởng mạnh so với năm 2021, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 11/2022. Trong đó, “Minions” và “Hẹn hò chốn công sở” là các phim ngắn và phim nhiều tập có lượng tìm kiếm nhiều nhất. Ca sĩ mặt nạ và các cuộc thi sắc đẹp là những chương trình được quan tâm hàng đầu. Những nghệ sĩ mới như MONO hay NewJeans đã trở thành nghệ sĩ đứng đầu danh sách thịnh hành của năm.

“Xu hướng Tìm kiếm nổi bật - Year in Search” là báo cáo do Cốc Cốc phát hành thường niên dựa trên những thông tin phân tích từ tìm kiếm của người Việt trong một năm đã qua. Tất cả những thông tin này là không định dạng danh tính, không làm ảnh hưởng tới an toàn thông tin của người dùng. Với những thống kê hữu ích, bản báo cáo của Cốc Cốc đã thể hiện đúng các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong 15 lĩnh vực và trong chính suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo nên bức tranh toàn cảnh về nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của người dùng Việt trên không gian mạng./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN