Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giảm tuổi thọ vì ô nhiễm không khí Hà Nội

Thứ Ba, 02/01/2024 20:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) –Dựa vào chỉ số của ứng dụng IQAir và AQI tính đến nay Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới. Chất lượng không khí xấu kèm theo thời tiết hanh khô, sương mù bùi mịn khiến nhiều người Hà nội khổ sở vị nghẹt mũi, đau và nhức ở mặt, thậm chí phải nhập viện vì đường hô hấp.

Ngày 2/1/2024, thông tin từ ứng dụng IQAir ghi nhận mức ô nhiễm không khí (AQI) Hà Nội cao thứ 3 trên thế giới, ở mức 216, rất nguy hại cho sức khoẻ con người. 

Các chuyên gia môi trường đánh giá thời tiết Hà nội những ngày gần đây trời quang, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đặc biệt, những ngày xảy ra nghịch nhiệt, sương mù xuất hiện thì không khí ô nhiễm nặng do khói bụi không phát tán được.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải: “Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít, vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên, đây là hiện tượng phân tầng ổn định, nó làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.”

Ảnh hưởng của bụi mịn đến tuổi thọ của con người (nguồn TTXVN) 

Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet, gần bằng đường kính sợi tóc của con người - xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Năm 2013, Liên hợp quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. WHO cho biết mật độ bụi mịn PM2.5 trong không khí không được vượt 15 microgam/m3 trong bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ nào, hoặc 5 mcg/m3 tính trung bình trong cả năm.

Theo ThS.BS Mai Mạnh Tam, Phó khoa hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bụi mịn PM2.5chủ yếu được hấp thụ qua hệ hô hấp, có thể xâm nhập phế nang phổi và đi vào máu, là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe.Với những người bình thường nói chung, khi bắt buộc phải lưu thông trên đường, nên tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt. Dụ bụi mịn PM2.5 khẩu trang thông thường không thể phòng tránh hết được, nhưng sẽ phần nào hạn chế bụi khói khi bạn lưu thông. Đây là một biện pháp tất yếu để phần nào phòng tránh được một số bệnh cơ bản về đường hô hấp.

Người dân thủ đô chống chọi với sương mù bụi mịn do ô nhiễm không khí 

Sinh sống ở Hà Nội hơn 50 năm, Chị Nguyễn Thị Mai Hoa (51 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cảm nhận rõ sự thay đổi không khí, thời tiết trong vài năm gần đây. Đặc biệt, gia đình chị có ba mẹ cao tuổi và trẻ nhỏ rất nhạy cảm với không khí dễ dẫn đến các bệnh như viêm xoang, viêm mũi dị ứng kèm sốt cao,… nên chị rất lo lắng cho tình hình sức khoẻ của gia đình mình và luôn phải bật máy lọc không khí để giảm bớt cảnh ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Đây là một lí do rất lớn dẫn đến việc tuổi thọ của một người bị giảm đi rất nhiều.

Mỗi người dân nên trang bị cho gia đình của mình một bộ máy lọc không khí và trồng ít cây xanh để trong nhà, giảm thiểu một phần nào không khí ô nhiễm từ bên ngoài tràn vào trong không gian ấm cúng trong nhà, để ngôi nhà chung có một không khí trong lành và sạch sẽ hơn.

Trẻ nhỏ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm không khí 

Trước tình trạng ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) đã ban hành Công văn số 4108/KSONMT-CLMT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn tỉnh, thành phố và thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Tăng cường tần suất quan trắc không khí, vận hành các trạm quan trắc liên tục đồng thời công bố kết quả trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể tiếp cận và đưa tin khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.

Tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải, đặc biệt là nguồn từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, khu vực công trình xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Đồng thời cơ quan này đề nghị các sở tài nguyên và môi trường báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải; chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh…

Nghĩa Lê - Bích Phượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN