Giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường biển
Để bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, cần từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh.
Rác thải nhựa trong khai thác thủy sản đến từ các hoạt động đánh bắt và từ đóng gói, bảo quản mang đi tiêu thụ. Theo thống kê, Trung bình mỗi năm, toàn bộ nghề khai thác thủy sản trong nước thải ra biển 8.700 tấn rác thải nhựa, trong đó 7.600 tấn từ tàu đánh bắt cá.
Túi nilon và rác thải nhựa trôi nổi trên biển |
Rác thải nhựa trên tàu khai thác thủy sản hiện nay thường được ngư dân xử lý theo 2 cách, một là thu gom mang về bờ; hai là xả thải trực tiếp xuống biển. Hoạt động thu gom rác thải nhựa trên tàu khai thác thủy sản rất khó khăn, thường do chủ tàu thực hiện. Kết quả từ chương trình, rác thải tàu cá mang về bờ chủ yếu là rác thải nhựa gồm chai lọ, bao nylon, xốp thải… với số lượng khoảng 2-3 kg/tàu chiếm khoảng 20% lượng sản phẩm nhựa có phát sinh rác thải khi mang đi biển. Nguyên nhân ngư dân không mang hết rác thải về bờ là do lượng rác phát sinh lớn, cồng kềnh nên trên tàu không có đủ diện tích để chứa.
Việc khuyến khích ngư dân tham gia vào các hoạt động nhằm hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa là yêu cầu hết sức cần thiết, qua đó cần thực hiện một số giải pháp:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương, tuyên truyền cho người dân sống ven biển không vứt rác xuống biển. Đồng thời đẩy mạnh thu gom rác thải nhựa trên bờ.
- Cần có tổ chức chuyên trách tiếp nhận, thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa từ tàu khai thác thủy sản về các cảng, bao gồm ban quản lý cảng cá, người thu mua ve chai, cơ sở thu mua tái chế và công ty môi trường đô thị để hình thành nên chuỗi tiêu thụ, xử lý rác thải nhựa từ tàu khai thác thủy sản về cảng.
Xử lý túi nilon dùng để đóng gói thủy sản khai thác là yêu cầu cấp thiết |
- Có cơ chế khuyến khích ngư dân thu gom rác thải nhựa về bờ, phát động, giám sát và thực hiện khen thưởng thông qua hoạt động giám sát lượng rác thải nhựa được tiếp nhận, thu gom, xử lý qua các cảng.
- Nghiên cứu đề xuất mua lại lượng rác thải nhựa không có khả năng tái chế. Nguồn kinh phí thực hiện các chương trình này sử dụng từ nguồn thu giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa từ tàu khai thác thủy sản.
- Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa.
Để bảo vệ môi trường biển, quản trị tốt rác thải nhựa đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, cần từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa. Đặc biệt, hàng triệu ngư dân ngày đêm bám biển sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc thu gom, giảm thiểu rác thải đại dương.