Giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG
(ĐCSVN) - Kết quả giám sát là cơ sở quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ có những xử lý kịp thời và đưa ra các giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để định hình khung chính sách thực hiện giai đoạn 2026 - 2030.
Năm 2023, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hội đồng Dân tộc sẽ tập trung cao độ cho việc chủ trì tham mưu Quốc hội triển khai nhiệm vụ giám sát tối cao về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trong đó có CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Hội đồng Dân tộc cũng tiếp tục chủ trì thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành Đề án của Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013…
Liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, theo ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đợt giám sát này có nhiều điểm mới, đặc thù so với trước đây. Cụ thể là sẽ giám sát đồng thời cả 3 CTMTQG, thay vì chỉ tiến hành giám sát từng Chương trình.
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Ủy ban Dân tộc (tháng 5/2023) về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 |
Nhiệm vụ được giao cho 3 cơ quan của Quốc hội cùng chủ trì, phối hợp gồm: Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Kinh tế; trong đó Hội đồng Dân tộc là cơ quan Thường trực Đoàn giám sát. Hoạt động giám sát được tiến hành ngay trong quá trình đang triển khai (được xem là giám sát giữa kỳ) thay vì tiến hành giám sát vào thời điểm đã kết thúc chương trình hoặc giai đoạn 5 năm của Chương trình, đặc biệt trong bối cảnh 3 CTMTQG thực hiện bị chậm nhiều so với tiến độ yêu cầu và nảy sinh một số vướng mắc.
Do vậy, nội dung giám sát tập trung nhiều vào phân tích, đánh giá tính khả thi, phù hợp của các chính sách, dự án, tiểu dự án trong các CTMTQG. Báo cáo kết quả giám sát sẽ là báo cáo chung của cả 3 Chương trình và cần thể hiện được mối liên hệ, tính thống nhất, chỉ rõ chồng chéo, bất cập trong quản lý chỉ đạo, điều hành (cả về địa bàn và nội dung)… của cả 3 CTMTQG.
Kết quả giám sát là cơ sở quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ có những xử lý kịp thời và đưa ra các giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để định hình khung chính sách thực hiện giai đoạn 2026 - 2030.
Cách thức giám sát cũng có điểm mới. Trước khi Đoàn giám sát tiến hành giám sát các bộ, ngành Trung ương và địa phương sẽ có các Tổ công tác đến làm việc trước để chuẩn bị các nội dung liên quan phục vụ cho Đoàn giám sát.
Phạm vi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trong phạm vi, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, hướng giám sát tập trung vào 03 trọng tâm, trọng điểm: Việc phân bổ nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Việc triển khai ban hành chương trình, văn bản hướng dẫn, định mức, chế độ, tiêu chuẩn để triển khai các Chương trình; Sự lồng ghép, phối hợp, điều hành chung của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, sự vận hành của Ban chỉ đạo các cấp.
Mục tiêu của hoạt động giám sát là tiếp tục đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá việc triển khai trong thực tiễn có phù hợp, có gây ách tắc trong quá trình triển khai hay không?
Chiều 17/8/2023, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, chuyên đề giám sát “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” phải trả lời cho được câu hỏi vì sao việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm? Vì sao vướng mắc? Điểm nghẽn ở đâu? Và tháo gỡ như thế nào?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu, sau giám sát tối cao của Quốc hội phải tạo được sự chuyển biến căn bản trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Được biết, sau phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với 4 Bộ liên quan và làm việc với 3 chủ Chương trình là: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đồng thời sẽ có phiên làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung đánh giá của chuyên đề giám sát và báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức tại Phiên họp thứ 26 trong tháng 9 tới, để chuẩn bị báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023./.