Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giảm gánh nặng báo cáo trong cơ quan nhà nước

Thứ Hai, 26/09/2016 17:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực tế phản ánh của các bộ, ngành, địa phương, khối lượng báo cáo hàng năm quá nhiều, chiếm thời gian thực hiện nhiệm vụ rất lớn, tạo “gánh nặng” cho đội ngũ cán bộ, công chức đơn vị.

Trong thời gian qua, việc triển khai công tác báo cáo  trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đã kịp thời phục vụ hoạt động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TH).

Tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan cho biết, việc thực hiện chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính bộc lộ nhiều bất cập như số lượng báo cáo nhiều kéo theo thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước; quy định thiếu rõ ràng, thể hiện sự tùy tiện khi đặt ra yêu cầu báo cáo; mất thời gian, chi phí thực hiện…

Vì vậy, ông Phan nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nghiên cứu đơn giản hóa chế độ báo cáo để bảo đảm có nguồn thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ, chính xác, đồng thời giảm tải báo cáo cho các cơ quan hành chính nhà nước; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Ông Vũ Tuấn Anh (Cổng thông tin điện tử Chính phủ) cho rằng, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ, tích hợp các hệ thống quản lý thông tin báo cáo phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Đồng quan điểm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải pháp đầu tiên là ứng dụng công nghệ thông tin phải quyết liệt. Nếu chế độ báo cáo được kết nối chia sẻ sẽ minh bạch, người dân sẽ thấy rõ. Đồng thời, kiến nghị Đề án nên loại trừ chế độ báo cáo thống kê vì đã có Luật thống kê. 

Chuyên gia pháp luật Vũ Đình Long thẳng thắn chỉ ra, hiện nay yếu nhất là hệ thống thông tin “mỗi nơi một kiểu”, nhưng  cốt lõi vẫn  là kỷ luật báo cáo thấp. Dẫn chứng một số bộ, ngành trong công tác thi đua chưa bao giờ có đánh giá là không thực hiện báo cáo. “Có hay không cũng thế, hòa cả làng”, ông Long nói.

Trên cơ sở đó, ông Long kiến nghị cần phải quy định kỷ luật báo cáo là của người đứng đầu. Ví dụ cấp Sở không báo cáo, Giám đốc Sở chịu trách nhiệm. Có như vậy khi quy trách nhiệm cá nhân mới kiểm soát được và có con số kịp thời, chính xác.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Hà (Học viện Hành chính Quốc gia) đề xuất quy định việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo được xem là một trong những tiêu chí xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm của cá nhân, tổ chức, đơn vị./.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2015, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng cộng 2.054.776 báo cáo (được in thành 5.361.311 bản). Tính bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện 198 báo cáo. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải thực hiện 2.262 báo cáo, ít nhất là Ủy Ban dân tộc thực hiện 134 báo cáo.

Đối với địa phương, bình quân tổng lượng báo cáo một địa phương phải thực hiện tại các cấp hành chính là 2.521 báo cáo với nhiều tần suất báo cáo khác nhau. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo, cấp huyện 534 báo cáo, cấp xã 138 báo cáo.

H. Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN