Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giảm chi phí, thủ tục hành chính cho người dân khi giao dịch điện tử

Thứ Hai, 19/09/2022 10:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cần chú trọng giảm chi phí cho người dân và các thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn thông tin của các cá nhân, tổ chức cũng như triển khai tốt hơn chính sách phát triển giao dịch điện tử.

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân nêu quan điểm về việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Ảnh: TT 

Theo dự kiến chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng đề cập đến  dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cụ thể.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia khoa học đặc biệt quan tâm, đóng góp cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là khi sửa đổi Luật cần chú trọng đến tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội, góp phần giảm chi phí cho công dân và các thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn thông tin của các cá nhân, tổ chức cũng như triển khai tốt hơn chính sách phát triển giao dịch điện tử.

Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân nhất trí với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời góp phần ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Theo Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân, khi sửa đổi Luật, Ban soạn thảo cần tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực để tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực... cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là với các vấn đề liên quan cần phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành. Ngoài ra, việc triển khai giao dịch điện tử với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội cần góp phần tiết kiệm các chi phí trực tiếp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch dân sự.

Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra dự án Luật làm rõ hơn những vấn đề trong giao dịch điện tử dịch vụ công trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để làm rõ hơn những nội dung về dịch vụ liên quan trong giao dịch điện tử; làm rõ những thách thức trong quản lý an ninh, an toàn thông tin, chống gian lận thương mại cũng như hội nhập quốc tế trong giao dịch điện tử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các cơ quan bổ sung báo cáo đánh giá tác động về chi phí chuyển đổi trong các giao dịch lớn; đánh giá tác động, hiệu quả đầu tư thông qua các giao dịch điện tử, qua đó, có thể biết doanh nghiệp, các cơ quan cần thực hiện những nhiệm vụ gì; nghiên cứu chính sách về giao dịch điện tử; phân định rõ vai trò của các cơ quan hữu quan trong triển khai thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sao cho phù hợp với các luật lệ và điều ước quốc tế.

Trên tinh thần, yêu cầu như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Phiên họp để hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9./.

Bích Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN