"Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ"
(ĐCSVN) –“Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ, tôi hoan nghênh. Cái gì tiến bộ, hiện đại, thuận tiện cho cuộc sống nhân dân thì phải làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp sáng 10/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: quochoi.vn) |
Sáng 10/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 47. Phiên họp dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ ngày 10 - 12/8.
Ngay sau Phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được đưa ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Đảm bảo đủ điều kiện mới bỏ Sổ hộ khẩu
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới; có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lý dân cư như đề xuất của Chính phủ; có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 01/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.
Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, để phương thức quản lý cư trú mới theo quy định của Luật này có thể được thực hiện thì cần phải đáp ứng ít nhất là 02 điều kiện cơ bản sau đây: Phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân; và tất cả các cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của Luật (cơ quan Công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ, chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành. Do đó, nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lý, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới và Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.
“Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ”
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp tục đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021.
Theo Bộ trưởng, nếu vẫn giữ sổ hộ khẩu đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế. “Đây là sự thay đổi căn bản, thể hiện mong muốn của các công dân, bây giờ lưu lại 5 năm nữa thì thể hiện quyết tâm không cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng khẳng định, các cơ quan có trách nhiệm đang rất nỗ lực thực hiện; đã tính kỹ các điều kiện, bước đi, lộ trình và quyết tâm đến 1/7/2021 khi Luật Cư trú có hiệu lực thì có thể bỏ Sổ hộ khẩu.
“Vì thế không có căn cứ gì mà kéo dài đến 2025 để Sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, thời gian qua ngành Công an đã rất nỗ lực để xây dựng dữ liệu quản lý quốc gia. Đồng thời cho rằng, từ nay đến hết năm 2020 và nửa đầu năm 2021 thì cơ bản các tỉnh kết nối được trung tâm dữ liệu quốc gia. Như vậy, nếu đầu tư đúng hướng, giao trách nhiệm cho ngành Công an rõ ràng… thì có thể thực hiện ngay từ năm 2021.
Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề xuất, “nên chăng giống thu phí không dừng trong giao thông là có hai làn”. Theo đó, một là ai đủ điều kiện thì không cần sổ và một là có thể áp dụng cho những trường hợp còn vướng mắc để khi có trục trặc kỹ thuật từ hệ thống hay từ người dân thì linh hoạt xử lý được thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh tinh thần cải cách mạnh mẽ của Bộ Công an. Bởi trên thế giới không còn bao nhiêu nước sử dụng sổ hộ khẩu trong khi nước ta để quá lâu nên đến lúc cần bỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách.
“Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ, tôi hoan nghênh. Cái gì tiến bộ, hiện đại, thuận tiện cho cuộc sống nhân dân thì phải làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Với lo lắng không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ theo đề xuất của Chính phủ để có mốc thời gian cố gắng phấn đấu. Trường hợp còn vấn đề lấn cấn thì khi đó Quốc hội có thể ra Nghị quyết gia hạn thêm./.