Giải vật toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng
(ĐCSVN) - Làm mới các giá trị truyền thống, thu hút đầu tư, tạo sân chơi để người dân được thụ hưởng miễn phí những giá trị vật chất và tinh thần, xã hội hoá các hoạt động cộng đồng do chính quyền địa phương tổ chức. Đó là cách làm sáng tạo mà thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội đã thực hiện khi tổ chức thành công Giải vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng năm 2023.
Đây là năm thứ hai, Sơn Tây tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử của “vùng đất hai vua”, đồng thời tôn vinh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người anh hùng khởi nghĩa chống phương Bắc xâm lược và nổi tiếng với huyền tích tay không đả hổ, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Xác định là một sự kiện thường niên, giải vật tranh cúp Phùng Hưng đang ngày càng mang dáng vóc của một sự kiện thể thao lớn, mang tầm quốc gia, tạo ra những trải nghiệm du lịch mới. Đặc biệt, các khâu tổ chức, giải thưởng… đều được xã hội hoá - một cách làm vừa giảm nguồn chi ngân sách nhà nước, vừa thu hút đầu tư đến với địa phương.
Một thành cổ nhỏ trong lòng phố Hà Nội
Là cái nôi văn hóa chứa đựng lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, mỗi nơi đều mang trong mình nét đẹp riêng. Gần đây, nhiều sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn văn hóa Hà Nội ra đời, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, như tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học và các phố đi bộ đêm…
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, Sơn Tây là một trong những trung tâm của xứ Ðoài xưa với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này vẫn còn hiện hữu và bảo tồn được nhiều giá trị di sản văn hóa quý báu. Trong đó có nhiều di tích mà tên gọi của nó gắn liền với tên đất, tên người Sơn Tây như làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, thành cổ Sơn Tây… Bên cạnh đó, lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo với 65 lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm.
Ban Tổ chức trao giải cá nhân cho các đô vật nữ (Ảnh: Việt Hà) |
Năm 2022, Thị uỷ và chính quyền Sơn Tây phối hợp với Liên đoàn Vật Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức giải vật toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng lần đầu tiên.
Ông Trần Anh Tuấn, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, vật dân tộc là môn thể thao truyền thống có từ lâu đời, ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần thượng võ của nhiều tầng lớp Nhân dân Sơn Tây. Giải vật phát huy truyền thống thượng võ, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vinh danh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - một đô vật cổ trong lịch sử xứ Đoài. Qua đó, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, khơi dậy giữ gìn và phát triển môn vật dân tộc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Giải đấu địa phương mang tầm vóc toàn quốc
Sau thành công của giải đấu mùa đầu tiên, giải đấu lần thứ II đã được khởi tranh từ ngày 22-24/4, thu hút 145 người tham dự từ 16 tỉnh thành gồm vận động viên và trưởng đoàn, trong đó có tên tuổi đạt huy chương Vàng toàn quốc, tranh tài ở 10 hạng cân cho nam và 3 hạng cân cho nữ với 240 trận đấu hấp dẫn. Với tinh thần thể thao cao thượng, kỹ thuật xe đài điêu luyện và những đòn vật hay, các đô vật đã cống hiến nhiều màn so tài cực kỳ hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả tới xem và cổ vũ.
Nói về chất lượng giải đấu, ông Lý Duy Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam, cho biết mặc dù giải vật dân tộc toàn quốc cúp Phùng Hưng do địa phương tổ chức nhưng tầm vóc thực sự là giải quốc gia. Đây là giải lớn nhất từ trước tới nay của Liên đoàn Vật Việt Nam.
Xã hội hoá hoạt động cộng đồng để người dân và chính quyền cùng hưởng lợi
Không chỉ được đánh giá cao về quy mô lẫn trình độ chuyên môn, đây còn là một ý tưởng tốt của chính quyền thị xã Sơn Tây khi lồng ghép các hoạt động thể thao nhằm kích cầu du lịch cho địa phương. Sự kiện chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước, còn lại phần lớn chi phí do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum tài trợ. Đây là thương hiệu tài trợ quen thuộc của nhiều giải đấu thể thao ở Việt Nam như V-League Night Wolf 2022 - 2023, Giải việt dã Marathon báo Tiền Phong...
Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 cũng là một thương hiệu thuần Việt với bề dày hàng chục năm kiên trì bảo tồn và phát triển cây sâm quý vốn được mệnh danh là “quốc bảo Việt Nam”, loài cây chứa những thành phần có dược tính quý hiếm bậc nhất thế giới. Qua đó, giải đấu càng mang đậm những giá trị về tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc.
Giải đấu thu hút gần 150 đô vật nam và nữ ở nhiều hạng cân, đến từ 16 đơn vị tỉnh thành (Ảnh: Việt Hà) |
Vì cách làm sáng tạo này, giải đấu tổ chức miễn phí, không gian thi đấu đặt tại trung tâm thị xã, kết hợp với phố đêm đi bộ. Chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng đã thu hút gần 30.000 lượt khách đến từ nhiều nơi như Hà Nội, Yên Bái, Hòa Bình, thậm chí đến TP HCM, Kon Tum và khu vực phía Nam.
Thông qua giải đấu, thị xã Sơn Tây đã quảng bá hiệu quả lịch sử văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ, giúp du khách sống lại bầu không khí lễ hội đậm chất dân tộc cổ truyền, từ đó hiểu biết thêm về lịch sử hào hùng của cha ông.
Không chỉ hòa mình vào không khí sôi nổi của giải đấu, khách đến Sơn Tây còn có cơ hội thưởng thức các món đặc sản như chè Lam, thịt quay Đòn, gá mía, kẹo lạc… hay ghé thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm để tìm hiểu lịch sử, đến Vườn quốc gia Ba Vì tận hưởng thiên nhiên trong lành, cắm trại và nghỉ dưỡng ở thung lũng Bản Xôi, hoặc tìm an yên nơi chùa Mía, chùa Linh Thông...
Có thể nói, giải vật Phùng Hưng thực sự mang đến một giá trị mới cho Sơn Tây nói riêng và Hà Nội nói chung trong việc tạo thêm các sản phẩm du lịch văn hoá mới, thu hút đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam, mang đến những thay đổi mới cho địa phương và khơi dậy lòng tự hào dân tộc./.