Giải tỏa áp lực điều hành tỷ giá
(ĐCSVN) - Tỷ giá ngoại hối, mà “nóng nhất” là tỷ giá USD/VND liên tục có chiều hướng gia tăng, cùng những yêu cầu về bình ổn đã đặt ra và tạo một áp lực không nhỏ lên Ngân hàng Nhà nước – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về vấn đề này.
Ảnh minh họa: M.P |
Từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá khoảng hơn 4,9%, “cơn sóng” tỷ giá nóng lên ngay từ đầu năm đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản. Tuy nhiên, tính từ ngày 11/3 - thời điểm NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu, tỷ giá vẫn tăng tiếp hơn 2,7%. Như mọi loại hàng hóa, cung - cầu là yếu tố quyết định đến tỷ giá, nhưng điều gì đang tác động đến cung - cầu này?
Áp lực gia tăng khi giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng
Thực tế cho thấy, tỷ giá trước năm 2022 khá ổn định, thậm chí có những giai đoạn, đồng VND đã lên giá. Sang năm 2022, tỷ giá bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tiêu cực khi khu vực châu Âu xảy ra một số bất ổn, kéo theo giá hàng hóa tăng mạnh. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như hầu hết các ngân hàng trung ương thế giới phải tăng lãi suất để đối phó lạm phát. Lãi suất của Mỹ đã được tăng liên tục từ mức 0,5% lên tới 5,5% khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Chỉ số USD nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng 10,6%.
Ngoài yếu tố đồng USD lên giá trên toàn cầu thì tại mỗi quốc gia cũng có những nhân tố riêng tác động thêm vào tỷ giá. Với Việt Nam, lãi suất điều hành giảm để thúc đẩy kinh tế là khá khác biệt với phần còn lại của khu vực và thế giới. Về lý thuyết, lãi suất là yếu tố quyết định hàng đầu đến giá trị đồng tiền. Kể từ năm 2022, lãi suất đồng VND đã không còn cao hơn USD, đặc biệt kể từ cuối 2023 đến nay khoảng cách chênh lệch này đã được nới rộng khi lãi suất ở Việt Nam đã xuống mức… “thấp nhất 20 năm”.
Chỉ số USD sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm 2022 đã giảm rồi đi ngang cho đến nay. Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay thì chỉ số này chỉ tăng 2,5% trong khi đồng VND mất giá 7,5%. Ngân hàng trung ương các nước đã nhanh chóng tăng lãi suất, khiến đồng tiền ở các nước đó được ổn định trở lại. Ngược với xu hướng này, Việt Nam giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, điều này khiến áp lực với đồng VND bị gia tăng.
Nhìn lại 2023, mặc dù chênh lệch lãi suất đã bắt đầu xuất hiện nhưng tỷ giá chưa quá căng. Đó là do Việt Nam đã tăng xuất siêu, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ. Sang năm 2024, khi các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, tỷ giá căng có lẽ là điều khó tránh khỏi.
Tín phiếu là công cụ được sử dụng đầu tiên trong cả 3 năm 2022, 2023 và 2024. Việc hút thanh khoản, tăng lãi suất đồng VND trên liên ngân hàng nhằm giảm khoảng cách giữa lãi suất USD và VND trên liên ngân hàng là biện pháp nhanh và đơn giản nhất. Lần phát hành tín phiếu năm nay có phần “quyết liệt” hơn nếu nhìn vào kỳ hạn và lãi suất. NHNN đã dùng ngay kỳ hạn 28 ngày thay vì các kỳ hạn 7 và 14 ngày trong các năm trước. Lãi suất tín phiếu cũng tăng nhanh, từ mức ban đầu là 1,4% lên đến hiện tại là 3,73%. Tuy nhiên về khối lượng phát hành thì không nhiều như 2023. Giá trị hút ròng ở thời điểm cao nhất là 171.000 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều năm 2023 là 254.000 tỷ đồng. Nguyên nhân giá trị tín phiếu thấp có thể do lãi suất liên ngân hàng đã phản ứng nhạy hơn.
Vậy trong bối cảnh này nên làm gì và làm như thế nào?
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, thực tế, trên đây cũng chỉ là các bước đi ban đầu để thăm dò thị trường. Cung - cầu ngoại tệ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, ngoài xuất nhập siêu còn có cả tình trạng găm giữ, đầu cơ hay dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài mà những yếu tố này tín phiếu khó có thể xử lý hết. có rất nhiều công cụ để kiểm soát tỷ giá khác mà NHNN có thể sẽ sử dụng đến sau các động tác thăm dò thị trường vừa qua. Nhìn lại hai năm 2022 và 2023, có ba bước để kiểm soát tỷ giá.
Bước một là hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng. Bước hai là bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường. Bước ba là tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá.
Trong năm 2023, NHNN chưa phải tăng lãi suất điều hành là nhờ nguồn cung từ thặng dư thương mại tốt. Hiện nay, NHNN đã thực hiện bước một, nhưng tỷ giá sau hơn 5 tuần chưa có dấu hiệu dịu bớt. Vào ngày 19/4, NHNN đã tiến hành bước hai, thông báo bán dự trữ ngoại hối giao ngay. Giá bán của NHNN được để ở mức 24.450 VND/USD, cao hơn so với tỷ giá tham chiếu 4,91%. Ngay khi có thông báo này, thanh khoản ngoại hối đã được cải thiện, một số đơn vị đã đẩy mạnh bán ra USD. Đây là những bước ban đầu để neo kỳ vọng thị trường trong ngắn hạn.
Xét trong điều kiện kinh tế Việt Nam, tăng trưởng đến từ nhiều yếu tố. Yếu tố hàng đầu là xuất khẩu của khối nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là giải ngân đầu tư công và xúc tiến thương mại.
Tăng trưởng kinh tế quan trọng và cũng cần cân đối với ổn định vĩ mô. Lãi suất thấp cũng có những mặt trái, đó là tỷ giá, lạm phát và “bong bóng” tài sản. Có thể thấy giá bất động sản, nhất là chung cư tại Hà nội đã tăng rất nhanh kể từ đầu năm. Nhu cầu đầu tư vàng cũng tăng cao kéo căng chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới. Vì vậy giải pháp cần có hiện nay là hài hòa tổng thể các yếu tố đó bởi ổn định cũng là một phần của tăng trưởng.
Vòng quanh bài toán “lãi suất – tỷ giá”
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù đã bắt đầu bán USD để can thiệp thị trường nhưng NHNN sẽ phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất một cách hợp lý để hạ nhiệt tỉ giá nhưng vẫn duy trì hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, trong lúc tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, giá vàng cả trong nước và thế giới tăng - giảm liên tục nhưng tăng là chủ yếu. Vấn đề đáng bàn là với biến động của tỷ giá, liệu người gửi tiền tiết kiệm có bị lãi suất thực âm hay không?
Cho dù việc so sánh giữa lãi suất VND với mức tăng của tỷ giá là không hoàn toàn hợp lý. Bởi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư mà thông thường là để bảo toàn vốn và có sinh lời một chút. Trong hai năm nay, theo chủ trương của Chính phủ, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay ở mức phù hợp, kéo theo giảm lãi suất đầu vào.
Và để nhằm “ghìm cương” tỷ giá, theo các chuyên gia kinh tế, việc NHNN bán ngoại tệ để can thiệp ra thị trường ngoại tệ là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Trong khi đó, về lãi suất, NHNN vẫn đảm bảo điều hành lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng lãi suất tiền gửi vẫn thực dương, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Đây là bài toán vô cùng khó. Để giải bài toán này, quan điểm điều hành chung mà NHNN đưa ra khá đúng đắn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Về lý thuyết, dòng tiền luôn di chuyển từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao. Khi lãi suất trong nước tăng sẽ thu hút các nguồn từ nước ngoài hoặc giữ USD khối FDI ở lại trong nước và làm tăng nguồn ngoại tệ và ngược lại.
Chính sự “trái chiều” trong chính sách điều hành lãi suất khiến chênh lệch lãi suất USD - VND trong quãng thời gian từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, do vậy một số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lựa chọn giữ USD. Tâm lý “găm giữ” USD của doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi trong bối cảnh tỷ giá vẫn “nóng”. Việc NHNN bán USD giao ngay sẽ giúp giải tỏa áp lực từ phía cung, đồng thời tiền đồng bị hút về cũng giúp lãi suất tiền đồng tăng, giảm chênh lệch lãi suất USD - VND. Tuy nhiên, việc bán USD có thực sự giúp hạ nhiệt tỉ giá hay không cũng còn phải xét thêm khối lượng NHNN bán ra là bao nhiêu và xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế.
Vẫn biết phải cần thời gian để quan sát xem liệu biện pháp bán ngoại tệ để can thiệp này có thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không. Nhưng nếu bán ra một lượng lớn USD rồi nhưng mọi thứ vẫn không hiệu quả sẽ phải tăng lãi suất lên?
Nhất quán về chủ trương, đồng thuận trong điều hành
Về cơ bản, thực tế cho thấy, việc tỷ giá tăng mạnh song hành cũng những diễn biến thời sự, chính trị, địa chính trị trên giới là chuyện không lạ của thị trường. Không khó để đưa ra hàng loạt những nguyên nhân khiến tỷ giá ở trong nước tăng, như: chênh lệch lãi suất USD/VND, sự mạnh lên của USD trên thế giới sau khi thị trường điều chỉnh lại kỳ vọng về cắt giảm lãi suất của Fed, sự găm giữ đồng USD của một số doanh nghiệp, cá nhân khi nhìn thấy giá đồng USD tăng cao… Và có cả những nguyên nhân từ đồn đoán hơi có mang cả mầu sắc “thuyết âm mưu”.
Nhưng nếu nhìn lại những đợt biến động tỷ giá trong thời gian gần đây, thì rõ ràng, mức tăng khoảng 3% trong quý I/2024 cũng không phải là biến động quá bất thường hay chưa có tiền lệ. Thực tế, cần xác định rõ diễn biến của tỷ giá, trước hết là do thị trường quyết định, trong đó có nhiều biến động không nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hay ý chí chủ quan của người hoạch định chính sách. Minh chứng rõ nét là, không có một các nhân hay tập thể nào ở Việt Nam có thể chi phối các thành viên tham gia cuộc họp chính sách tiền tệ ở Mỹ về lãi suất, cũng như không có cách nào hạn chế hoàn toàn việc một vài tổ chức găm giữ và tích trữ USD để tìm đường gửi nhận lãi suất USD cao trên các thị trường tiền tệ ngoại biên.
Thứ đến là việc điều chỉnh chính sách. Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 3/2024, diễn ra chiều 3/4/2024, với thông điệp rõ ràng về quan điểm của NHNN trong điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, NHNN xác định sẽ điều hành linh hoạt, bảo đảm tỷ giá lên xuống phù hợp.
Không ai rõ hơn NHNN và thị trường trong câu chuyện tỷ giá. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, điều tốt nhất lúc này có thể làm là không cần phải đưa thêm những áp lực bằng cách đặt ra những câu hỏi kiểu: “vì sao?” hay “tại sao?”… và cũng không nên liên tục đề ra những “mệnh lệnh hành chính phi thị trường”, xa rời thực tế. Bởi để trả lời hay đáp ứng những điều này là… “khó khả thi!” nếu khả năng can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có giới hạn.
Ngay tại các cường quốc kinh tế, những quốc gia có khả năng chi phối và tạo tác động mạnh lên nền kinh tế khu vực và thế giới, thông điệp được đưa ra cũng chỉ là: các doanh nghiệp và người dân phải tích cực phòng ngừa rủi ro tỷ giá!
Vậy nên, có lẽ điều mà NHNN nói riêng và các cấp có thẩm quyền nói chung cần là sự nhất quán và đồng thuận trong việc đưa ra các thông điệp cho thị trường. Việc đưa ra những thông điệp chỉ dẫn trước về định hướng chính sách, hay đâu là công cụ cơ quan chức năng có thể sử dụng… sẽ hữu ích hơn so việc đề ra cam kết các con số cụ thể hay những khẩu hiệu hô hào phi thực tế. Bởi những việc như nói can thiệp mà không can thiệp, hoặc thất bại khi can thiệp... sẽ làm giảm “sức nặng” điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.