Giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm khoa học công nghệ tại ĐHQGHN cần gắn với thực tiễn xã hội
(ĐCSVN)- Đối thoại chuyên đề về chính sách khoa học công nghệ được tổ chức là diễn đàn để các nhà khoa học trực tiếp nêu những khó khăn đang vướng mắc trong quá trình triển khai tại đơn vị. ĐHQGHN sẽ giải đáp và đưa ra những chính sách tạo hành lang thông suốt để các nhà khoa học nắm rõ và triển khai hiệu quả. Trong năm 2023, ĐHQGHN triển khai đầu tư cho 15 nhóm nghiên cứu mạnh để có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với thực tiễn.
Ngày 25/8/2023, tại Hòa Lạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn và Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích chủ trì buổi Tọa đàm đối thoại chính sách khoa học và công nghệ.
Đây là buổi đối thoại chuyên đề đầu tiên được tổ chức sau sự kiện hội nghị Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2023. Tọa đàm là diễn đàn để cộng đồng khoa học của ĐHQGHN cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó tiếp tục đề xuất ra những chính sách mới cho hoạt động KHCN trong toàn ĐHQGHN nhằm góp phần tạo ra nhiều sản phẩm gắn với thực tiễn.
Tọa đàm là diễn đàn để cộng đồng khoa học của ĐHQGHN cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: TT |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết: Thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) ở ĐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển với hơn 100 nhóm nghiên cứu, trong đó có 28 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 nhóm nghiên cứu tiềm năng. Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công bố quốc tế, ĐHQGHN tiếp tục chuyển dịch sang mô hình đại học trách nhiệm xã hội cao, phục vụ trực tiếp sự phát triển của xã hội bằng việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức. Số lượng đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của ĐHQGHN gia tăng liên tục theo các năm.
Các nhóm sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN được định hướng và quy hoạch theo 4 nhóm lĩnh vực chính: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và y dược, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
Đối thoại chuyên đề về chính sách khoa học công nghệ được tổ chức sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học trực tiếp nêu những khó khăn đang vướng mắc trong quá trình triển khai tại đơn vị. ĐHQGHN sẽ giải đáp và đưa ra những chính sách tạo hành lang thông suốt để các nhà khoa học nắm rõ và triển khai hiệu quả. Trong năm 2023, ĐHQGHN triển khai đầu tư cho 15 nhóm nghiên cứu mạnh để có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với thực tiễn.
Trước đó, ĐHQGHN đã đưa ra chiến lược Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 với một số giải pháp chủ yếu được xác định để thực hiện tốt Chiến lược KH,CN&ĐMST bao gồm: (1) Giải pháp chính sách; (2) Giải pháp nhân lực; (3) Giải pháp hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (4) Giải pháp tài chính; (5) Giải pháp về hợp tác; (6) Giải pháp về truyền thông; (7) Giải pháp về chuyển đổi số.
Trong Tọa đàm chuyên đề lần này, các nhà khoa học tập trung đưa ra các vấn đề xoay quanh: cơ chế phối hợp khi thành lập các doanh nghiệp spin-off, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, phát triển các sản phẩm khoa học mũi nhọn của ĐHQGHN, chính sách tài chính hỗ trợ, chính sách pháp lý, …
Tại hội thảo nhiều nhà khoa học là giám đốc của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các nhóm nghiên cứu mạnh trong toàn ĐHQGHN đã đánh giá cao những chính sách khoa học công nghệ trọng điểm mà ĐHQGHN đã đưa ra. Các chính sách gắn sát thực tiễn đã tạo động lực và hành lang pháp lý để các nhà khoa học phát huy làm nghiên cứu. Những chính sách khoa học công nghệ mà ĐHQGHN ban hành cũng đã tạo cơ hội để thu hút nhiều nhà khoa học trẻ về làm việc tại các phòng thí nghiệm trọng điểm và tạo lập nên nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trong toàn ĐHQGHN.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng chia sẻ những khó khăn mà cán bộ làm khoa học còn gặp phải như cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn khó khăn mất nhiều thời gian, chi phí hỗ trợ sửa chữa, bảo hành các hệ thống máy móc phòng thí nghiệm còn chưa đáng kể làm ảnh hưởng quá trình nghiên cứu tạo nên sản phẩm mới còn chậm. Các nhà khoa học mong muốn trong thời gian tới ĐHQGHN tập trung đầu tư ngành khoa học mũi nhọn và đầu tư theo hướng ngành dọc, đầu tư mạnh cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, cần có cơ chế phối thuộc rõ ràng hơn. Cần có cơ chế chính sách rõ ràng hơn cho cả đội ngũ vận hành, chính sách kinh phí tài chính bảo dưỡng trang thiết bị máy móc thường xuyên, cần có chính sách đầu tư dài hơn cho nhóm nghiên cứu mạnh; …. để các nhà khoa học tập trung vào chuyên môn và mang lại các sản phẩm nghiên cứu hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ Vũ Văn Tích đã trình bày những chính sách khoa học công nghệ trọng điểm mà ĐHQGHN đã và đang tập trung như: Công tác cán bộ, nhà khoa học nhằm quy tụ các nhà khoa học có năng lực theo nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút và trọng dụng nhà khoa học trình độ cao, cử các nhà khoa học trẻ đi đào tạo tại nước ngoài; Phát triển các tổ chức khoa học công nghệ mới như thành lập nhóm nghiên cứu mạnh quốc tế, công nhận Phòng thí nghiệm trọng điểm, phát triển doanh nghiệp spin-off, xây dựng các Hub đổi mới sáng tạo (đại học doanh nghiêp); Thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và hoạt động mới nhằm phân cấp các chương trình trọng điểm cấp ĐHQGHN, thúc đẩy hỗ trợ công bố quốc tế và phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích (patent), phát triển các hoạt động chuyển giao và thương mại hoá, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, gia tăng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia (chips, bán dẫn, hydrogen,. Công nghệ sinh học, y-dược, khoa học biển, …); Gia tăng các nguồn lực phục vụ hoạt động khoa học công nghệ phát triển quỹ đầu tư khoa học công nghệ cấp ĐHQGHN, hình thành quỹ định danh của doanh nghiệp, thúc đẩy sử dụng quỹ của đơn vị theo Nghị định 109/NĐ-CP 2023 (trước đây là Nghị định 99/NĐ-CP 2014). Thúc đẩy hợp tác và đồng tài trợ nghiên cứu, phân cấp quản lý và quản trị nguồn lực cho các đơn vị theo mô hình song phương và đa phương các nguồn lực.
Bên cạnh việc thông tin và kêu gọi các đơn vị, các nhà khoa học nắm bắt thông tin về các chính sách, chương trình khoa học công nghệ lớn của ĐHQGHN để chủ động, tích cực tham gia, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cộng đồng khoa học ĐHQGHN tập trung nâng cao vai trò trong thế mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản; Ưu tiên chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh các chương trình khoa học hợp tác với địa phương, góp phần giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, gia tăng nguồn thu từ các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dịch vụ phục vụ cộng đồng./.