Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo - Du lịch Halal
(ĐCSVN) - Để thu hút khách Hồi giáo, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông; tiếp tục khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ.
Ngày 12/9, tại thành phố Hạ Long, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo - Du lịch Halal”.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch Hồi giáo được xác định là thị trường tiềm năng, nằm trong nhóm thị trường mục tiêu cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới.
Quảng Ninh đón đoàn khách Ấn Độ và Hồi giáo trải nghiệm lưu trú. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỷ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới. Riêng khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu người Hồi giáo. Họ rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Do vậy, các quốc gia luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này.
Để thu hút khách Hồi giáo, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông; tiếp tục khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ. Việt Nam chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo, các sản phẩm thực phẩm có tem chứng nhận Halal được người Hồi giáo tin dùng; chú trọng việc xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… đảm bảo sự tiện lợi cho khách ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh, để thu hút được khách Hồi giáo, Quảng Ninh phải có cơ sở hạ tầng tốt phù hợp với thói quen của họ, có các sản phẩm chứng nhận Halal và mời các chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo.
Báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu cho thấy, những năm gần đây, số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Năm 2013 có khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch, đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt. Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021, tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD.
Đối với thị trường du lịch Việt Nam, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến nước ta còn rất khiêm tốn. Hiện nay, du lịch Hồi giáo ở nước ta chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Những nhu cầu dành riêng cho khách du lịch Hồi giáo chưa được đầu tư nhiều. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng, trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ…. Ngành Du lịch Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường Hồi giáo nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường này như: tổ chức đón các đoàn FAM trip, Press trip từ các nước Hồi giáo sang tham quan, khảo sát, quảng bá cho sản phẩm du lịch; giao lưu doanh nghiệp du lịch hai nước; tổ chức các đoàn khảo sát gồm doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Việt Nam đến các quốc gia Hồi giáo tìm hiểu về văn hóa, đất nước con người và kết nối doanh nghiệp du lịch hai nước. Các hoạt động này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.
Đối với Quảng Ninh, để thu hút dòng khách này, ngành du lịch tỉnh đang điều chỉnh, dịch chuyển dần về cơ sở vật chất hạ tầng cần thiết và chuyển đổi xu hướng khai thác kinh doanh, dần thay thế thị trường truyền thống; mục tiêu là xây dựng các cơ sở du lịch, điểm đến thân thiện với người Hồi giáo.