Giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học
(ĐCSVN)- Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, những điều chỉnh, bổ sung trong Luật GDĐH được đánh giá là khá hiện đại, tháo gỡ các nút thắt đối với giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy cơ chế này một cách hiệu quả nhất thì cần có những đổi mới mạnh mẽ bằng những giải pháp thiết thực hơn nữa.
Ngày 9/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo". Tham dự tọa đàm có: PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa và PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, những điều chỉnh, bổ sung trong Luật GDĐH được đánh giá là khá hiện đại, tháo gỡ các nút thắt đối với giáo dục Việt Nam. Vấn đề trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và thực hiện quyền tự chủ ra sao để bảo đảm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời vẫn bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội như giá học phí và khả năng tiếp cận thị trường việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là những vấn đề được các khách mời đưa ra thảo luận tại tọa đàm.
Tại Tọa đàm, PGS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng: Luật sửa đổi GDĐH đã khẳng định quyền tự chủ của các cơ sở GDDH. Nhằm gỡ nút thắt này, Luật GDĐH sửa đổi trao quyền hạn, trách nhiệm rất lớn cho Hội đồng trường.
Giáo dục ĐH là để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Giáo dục ĐH cũng gắn với phát triển kinh tế-xã hội nên việc các trường ĐH mở ra những ngành nghề đào tạo mới cũng là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng sự thay đổi rất nhanh của thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là có những trường ĐH mở ra nhiều ngành nghề mới nhưng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thị trường lao động và doanh nghiệp. Đó là những trường không đáp ứng được các quy định pháp lý về việc mở ngành, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm.
Theo PGS Nguyễn Thị Thu Thủy, nếu việc mở ngành không đảm bảo chất lượng thì chính người học, thị trường sẽ “quay lưng” với nhà trường. Đây cũng là câu trả lời về chất lượng của một trường ĐH và việc mở ngành của trường đó có phù hợp hay không? trường ĐH đó tồn tại được nữa hay không?
Còn việc một số trường ĐH lại mở ngành đào tạo mới không đúng với chuyên ngành đào tạo truyền thống nhằm thu hút sinh viên dẫn đến hiện tượng bão hòa, nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm đã bị Bộ GD&ĐT cảnh báo.
Mức học phí của các trường ĐH sau tự chủ là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm. Chia sẻ về mức học phí ảnh hưởng đến sinh viên như thế nào, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ. Tăng học phí bù đắp chi phí thường xuyên là vấn đề tất yếu. Đến nay nhà trường thực hiện đúng tinh thần Nghị định 86 của Chính phủ. Mức học phí công khai minh bạch, thực hiện công bố cho toàn khóa.
“Trong bối cảnh hiện nay chúng tôi tăng 5%/năm, các em sinh viên cũng không bất ngờ về vấn đề này”, PGS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ.
Với những đối tượng khó khăn được học tập, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cam kết có quỹ học bổng cho sinh viên nghèo. Nhiều học bổng tài năng được cấp cho cả khóa học, các em có đủ khả năng chi trả trong suốt quá trình học tập, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng nhấn mạnh nếu chỉ trông chờ vào học phí chúng ta sẽ không có những đột phá, về lâu dài cần có bước thay đổi./.