Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới?

Thứ Năm, 14/12/2023 16:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Muốn phát huy được vai trò của đội ngũ trí thưc, các cơ quan chức năng phải cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến đội ngũ trí thức, phải xây dựng chương trình hành động cụ thể; phải thay đổi tư duy trong việc sử dụng trí thức, từ đãi ngộ, tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo..., đến việc tạo môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng để họ thực hiện được những ý tưởng của mình.

Đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc 

Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thực tế những năm qua cho thấy, đội ngũ trí thức của nước ta đã có bước tiến bộ căn bản, từng bước được nâng lên về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, lĩnh vực ngành nghề đào tạo.

Thế giới ngày nay đã, đang và sẽ đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen đối với sự phát triển nhanh và bền vững dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí tuệ nhân tạo và một số thành tựu công nghệ mới có khả năng thay thế con người trên một số lĩnh vực, tạo ra khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ và những hiệu ứng làm thay đổi cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, con người và lối sống.

Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia, để họ đóng góp nhiều hơn nữa với chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước.

Đó cũng chính là nội dung trao đổi của chúng tôi với PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội.

PV: Thưa PGS.TS Bùi Thị An, trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vậy, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Bùi Thị An: Trước hết phải nói là đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam suốt từ Cách mạng tháng Tám đến bây giờ đã chứng minh rằng đội ngũ trí thức có một vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Từ Cách mạng tháng Tám, rất nhiều các trí thức theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã sẵn sàng từ bỏ nhung lụa để trở về xây dựng Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối. Trong quá trình đó, đội ngũ trí thức cả miền Bắc, miền Nam đã đóng góp rất lớn trong tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ (phục vụ  quân sự và dân sinh ...)

Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay, đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện rất rõ ràng trong tất cả các hình thức từ nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đã thể hiện trong các tất cả các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp... Với tăng trưởng GDP cứ năm sau tăng hơn năm trước và rất bền vững, kể cả những giai đoạn khủng hoảng thì khoa học vẫn đóng góp cho sự  phát triển đất nước… Giữ được như vậy không thể không nói đến sự đóng góp của đội ngũ trí thức. Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thì  không ai có thể phủ nhận vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam.

PGS.TS Bùi Thị An: Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thì  không ai có thể phủ nhận vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam

PV: Những đóng góp của đội ngũ trí thức là rất quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó không thể không kể tới vai trò, vị trí của đội ngũ các nhà trí thức khoa học kỹ thuật. Là người đã gắn bó lâu năm với lĩnh vực này, đánh giá như thế nào về vai trò của lĩnh vực này hiện nay?

PGS.TS Bùi Thị An: Vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trong khoa học công nghệ, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đã được khẳng định trong thực tế cuộc sống. Về mặt lý luận khoa học xã hội, xây dựng mô hình kinh tế, đội ngũ trí thức đóng góp rất lớn. Trong công cuộc đổi mới, chúng ta phải đi lên từ nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ nước chậm phát triển, đi lên để hướng tới hiện đại, thì việc xây dựng mô hình kinh tế không phải đơn giản. Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực này, các nhà kinh tế, các nhà chính trị học đã đóng một vai trò rất quan trọng.

Tôi lấy ví dụ, bây giờ chúng ta xây dựng những khu công nghiệp kết hợp với nông nghiệp, hoặc các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo... Đấy là những mô hình rất tốt thực hiện song song hai nhiệm vụ chiến lược. Hay đối với khoa học công nghệ thì rất rõ rồi. Chúng ta từ nước phải đi đong gạo bây giờ trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thành quả đó thì vai trò của người nông dân không nhỏ nhưng công của khoa học công nghệ, của đội ngũ trí thức là không thể đong đếm.

Hay trong lĩnh vực công nghiệp, từ trước đến nay trong tất cả mặt hàng gọi là dịch vụ, sản phẩm thì trước kia người dân từng mơ và mong mua được hàng từ nước ngoài. Nhưng bây giờ thì mong mua hàng “make in Việt Nam”. Đó là một bước tiến vô cùng quan trọng, tức là sự tăng chất lượng sản phẩm, mà đó là công của những người đóng góp về khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm lên.

PV: Năm 2008, tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết này nêu rõ là: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững". Thưa PGS.TS Bùi Thị An, đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, theo cảm nhận của mình, bà thấy kết quả đạt được là như thế nào?

PGS.TS Bùi Thị An: Trước hết phải nói trong Nghị quyết 27 của Trung ương khóa VIII, tôi thấy các quan điểm, nội dung rất là đủ, là chuẩn về mặt đánh giá vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức cũng như đề ra các giải pháp nhằm tập hợp, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức có thể phát triển được và đóng góp tài năng của mình để xây dựng đất nước… Về mặt nghị quyết, tôi cho rằng đã khá đầy đủ.

Sau 15 năm, đầu tiên ta phải nói rằng là số lượng đội ngũ trí thức phát triển không ngừng và chất lượng được nâng lên rất cao. Trí thức Việt Nam bây giờ có mặt ở tất cả các lĩnh vực, tất cả các nơi, tất cả các vùng miền, chứ không phải là như trước đây chỉ ở thành phố. Tôi cho rằng sự phát triển và phân bố khá đồng đều của đội ngũ trí thức chính là kết quả thực hiện Nghị quyết 27.

PGS.TS Bùi Thị An: Trí thức Việt Nam bây giờ có mặt ở tất cả các lĩnh vực, tất cả các nơi, tất cả các vùng miền, chứ không phải là như trước đây chỉ ở thành phố 

Vừa rồi, Hội nghị Trung ương khóa XIII đã ra một quyết định là đánh giá lại, kiểm điểm lại xem cái gì chúng ta đã làm được, cái gì chưa làm được để chúng ta có thể khắc phục trong giai đoạn tới. Điều đó chứng tỏ là Trung ương luôn luôn đề cao về vị trí, vai trò và rất muốn tạo điều kiện để trí thức có thể phát triển, coi đó là động lực phát triển xã hội bền vững. Tôi cho những quan niệm đó là hoàn toàn đúng. Bây giờ vấn đề ta xem lại giai đoạn vừa rồi còn những cái gì ta chưa làm được thì lại bàn tiếp thôi.

PV: Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được như vậy, qua thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 cũng đã bộc lộ không ít bất cập, trong đó đáng chú ý là về vấn đề thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

PGS.TS Bùi Thị An: Về cơ bản thì tôi đồng tình với quan điểm, nhận xét đó. Bởi vì phải nói trong Nghị quyết 27 nêu ra mục tiêu rất rõ và yêu cầu đối với đội ngũ trí thức, trong đó có chuyện sử dụng nguồn lực trong nước, đặc biệt là những “hiền tài” mà chúng ta gọi là nguyên khí quốc gia. Ở lĩnh vực này, chúng ta thực hiện chưa như mong muốn của Đảng, Nhân dân. Chính điều đó làm chậm quá trình phát triển bền vững của đất nước ta, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ cao vào phát triển kinh tế.

Nguyên nhân thì có rất nhiều. Đầu tiên tôi nhớ lại mới cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói là, sau 15 năm ra Nghị quyết 27 mà chưa thể chế được. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nghị quyết chưa đi sâu vào cuộc sống. Chủ trương có rồi nhưng chúng ta phải cụ thể thì mới tổ chức thực hiện. Chính phủ đã nhận lỗi và tôi cho rằng có lẽ tới đây Chính phủ sẽ có cách sửa ngay.

Đặc biệt trong lĩnh vực trọng dụng nhân tài, con người quyết định tất cả, trong đó số người tài rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Giai đoạn vừa rồi chúng ta chưa tận dụng được chất xám nói chung của trí thức, đặc biệt của những người tài. Ta chưa thu hút, chưa giữ chân được họ, chưa quy tụ được họ phát triển ở đất nước của mình, cũng như trong các lĩnh vực của mình để họ đóng góp thì đấy là nguyên nhân.

Về giải pháp, vấn đề đãi ngộ, tạo môi trường cho trí thức làm việc phải được quan tâm, kể cả về mặt tinh thần. Vấn đề tôn vinh trí thức thế nào cũng cần phải được đặt ra tới đây. Phải cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Ai, ban, bộ, ngành nào phải cụ thể hóa cũng cần phải phân công rõ. Ví dụ về ban thì Ban Tổ chức Trung ương chẳng hạn, về Bộ thì Bộ Nội vụ hay Bộ Lao động, Thương binh và Xã  hội liên quan đến chế độ tiền lương cũng cần phải cụ thể hóa ra...

Chủ trương đúng rồi thì ta phải xây dựng chương trình hành động, trao trách nhiệm cho từng bộ, từng đồng chí xây dựng từng giai đoạn cụ thể, có lộ trình cụ thể, có kiểm điểm thường xuyên. Phải coi việc xây dựng, tập hợp đội ngũ trí thức và đặc biệt người tài là một nội dung vô cùng quan trọng trong giai đoạn tới để hiện đại hóa đất nước Việt Nam.

PGS.TS Bùi Thị An: Đội ngũ trí thức phải nhận rõ trách nhiệm, vai trò, vị trí của mình trong giai đoạn này 

PV: Để khắc phục những vấn đề PGS.TS vừa nêu ra trong việc xây dựng đội ngũ trí thức, đặc biệt để đáp ứng mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức trong thời đại mới, theo bà đặt ra những vấn đề gì cần giải quyết, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật?

PGS.TS Bùi Thị An: Trước hết về mặt đội ngũ trí thức, tôi nghĩ đầu tiên họ phải nhận rõ trách nhiệm, vai trò, vị trí của mình trong giai đoạn này. Dù có được đào tạo đầy đủ bao nhiêu thì việc học tập, cập nhật thông tin mới, kiến thức mới là chuyện vô cùng quan trọng. Chỉ như thế đội ngũ trí thức mới có thể cập nhật tất cả những kiến thức mới và hiện đại của khoa học Việt Nam và thế giới. Đó là trách nhiệm đầu tiên.

Đồng thời trí thức phải thấy được trách nhiệm của mình là phải liên tục học tập để có thể cập nhật những kiến thức hiện đại nhất và mang ứng dụng tại điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bởi vì lý thuyết thì có rất nhiều nhưng mà vấn đề áp dụng vào thực tiễn là không đơn giản.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng phải cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến đội ngũ trí thức, phải xây dựng chương trình hành động cụ thể như tôi đã nói ở trên. Tôi đề nghị phải thay đổi tư duy trong việc sử dụng trí thức, từ đãi ngộ, tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo... Tôi lấy ví dụ, trong hệ thống các cơ quan nhà nước, tốt nghiệp đại học ra ngành nào cũng như ngành nào lương là hệ số 2,34. Trong khi đó, các cơ quan ngoài nhà nước thì họ lại trả lương có thể cao hơn gấp rất nhiều lần. Mà theo tôi, ngành y tế, ngành dược, ngành giáo dục... trả lương như hiện nay tôi cho không thích hợp. Cho nên phải thay đổi tư duy, từ đãi ngộ cho đến tuyển dụng...

Thứ hai là môi trường làm việc đối với đội ngũ trí thức cũng rất quan trọng. Họ cần có môi trường dân chủ, tôn trọng họ để họ thực hiện những ý tưởng của mình. Nếu không thực hiện được điều đó, tôi nghĩ chúng ta cũng khó có thể phát huy năng lực thực sự của đội ngũ trí thức.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Bùi Thị An./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN