Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức báo chí?

Thứ Tư, 18/10/2023 14:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nước ta đã bước sang tuổi 98. Và chỉ còn 2 năm nữa, năm 2025, chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2025). Nhìn lại chặng đường 98 năm qua, nhiều tư liệu, văn kiện, nhiều bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đều khẳng định những thành tựu vẻ vang, những đóng góp quan trọng của nền báo chí cách mạng góp phần vào những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Những người làm báo rất vinh dự và tự hào trước những đóng  góp, dấn thân, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trước đây và ngày nay. Trong đó, lớp lớp cán bộ, nhà  báo luôn  luôn rèn  luyện, tu dưỡng đạo đức, vì sự nghiệp cách mạng. Song, những năm gần đây, do mặt trái của cơ chế thị trường, một số nhà báo thiếu ý thức tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp vi phạm đạo đức cao quý của người làm báo, sa vào đạo văn, đạo báo, thậm chí không vượt khỏi những cám dỗ của đồng tiền, vi phạm phạm pháp luật.

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

1. Vi phạm pháp luật, đạo đức báo chí có thể coi là một hiện tượng xã hội, được tồn tại trong thực tiễn hoạt động báo chí. Trong xã hội, mọi tổ chức, công dân đều chịu sự ràng buộc của các văn bản pháp luật quy định. Trong hiến pháp và các luật chuyên ngành cũng đều quy định quyền lợi, trách nhiệm và những hành vi bị cấm đối với mọi tổ chức, cá nhân, hội viên. Nhà báo hoạt động trong các cơ quan báo chí cũng vậy. Họ cũng chịu sự quản lý, quy định của các các văn bản pháp luật. Ngoài ra, mỗi cá nhân, công dân nếu là hội viên sinh hoạt trong các hội con chịu sự quản lý, nhưng quy định riêng. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nếu là nhà báo, đồng nghĩa họ là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải tuân thủ quy định đạo đức của người làm báo.

Vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí là một khái niệm kép chỉ những hành vi, vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí của  người làm báo. Có thể hiểu rằng, nếu nhà báo vi phạm pháp luật đồng nghĩa với vi phạm đạo đức người làm báo. Ngược lại, người làm báo vi phạm các quy tắc, chuẩn mực đạo đức người làm báo, về mặt nào đó những vi phạm này đều liên quan đến vi phạm pháp luật.

Vi phạm pháp luật báo chí là khái niệm chỉ những hành vi, vi phạm pháp luật của những  tổ chức, cá nhân liên quan và các tổ chức (cơ quan báo, tạp chí) và những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí (phóng viên, nhà báo, nhân viên tòa soạn báo chí...). Trong bài viết này, theo nghĩa hẹp chỉ tiếp cận, đề cập khái niệm này trong phạm vi vi phạm của các cơ quan báo chí, những người hoạt động trong các cơ quan báo (phóng viên, nhà báo).

Nói đến vi phạm pháp luật báo chí còn được hiểu là vi phạm Luật Báo chí 2016 và các điều khoản Hiến pháp, của các luật khác liên quan. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết này cũng chỉ chủ yếu tiếp cận vi phạm pháp luật báo chí liên quan trực tiếp Luật Báo chí, Luật An ninh mạng. Theo đó, nếu nhà báo làm trái những điều quy định, trong đó có những điều cấm của pháp luật thì mặc nhiên vi phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm các quy định của Điều 9 Luật Báo chí ( [1]) về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực báo chí thì căn cứ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Ví dụ: nếu vô tình hay cố ý đăng tải những bài có nội dung vi phạm liên quan đền Điều 9 thì tùy theo mức độ vi phạm cơ quan báo chí sẽ bị xử phát theo quy định từ đình bản đến truy tố, người viết tác phẩm báo chí (phóng viên, nhóm phóng viên) và người đứng đầu cơ quan báo chí có thể xử phạt hành chính đến truy tố trách nhiệm hình sự. Cụ thể là: đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nội dung cụ thể như: Xuyên tạc, bôi xấu, phủ nhận chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; Gây ra chiến tranh tâm lý. Đăng tải, phát hành thông tin có nội dung: Gây chia rẽ giữa các tầng lớp Nhân dân, trong Nhân dân với chính quyền Nhân dân, lực lượng vũ trang Nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Gây hận thù, phân biệt đối xử, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; Gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo với chính quyền nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và xúc phạm các tín ngưỡng tôn giáo; Làm suy yếu việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế. Đăng, phát thông tin kích động chiến tranh chống độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bóp méo lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc và anh hùng dân tộc. Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật của cá nhân theo quy định của pháp luật. cung cấp thông tin ủng hộ các thói xấu, mê tín dị đoan; cung cấp thông tin về những bí ẩn gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành vi dâm ô, hành vi tội phạm; cung cấp những thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.  Cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cơ quan, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội mà không có phán quyết của Tòa án; Cung cấp những thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ...

Cùng với các vi phạm Luật Báo chí, Cơ quan báo chí hay phóng viên, nhà báo nếu vô tình hay cố ý vi phạm Luật An ninh mạng ( [2]) thì căn cứ mức độ hành vi vi phạm sẽ bị xem xét xử lý theo pháp luật, từ đình bản đến truy tố (với cơ quan báo chí) và tước thẻ nhà báo, truy tố trách nhiệm hình sự (đối với những trường hợp cá nhân trực tiếp và liên quan đến các tác phẩm báo chí). Ví dụ, phóng viên được coi là vi phạm pháp luật (Quy định tại Điều 8 về 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm) khi có các bài viết và sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và Nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán. Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài hai luật trên, cơ quan báo chí cũng như phóng viên, nhà báo với tư cách là công dân, nếu có các hành vi vi phạm đến mức phái truy tố còn phải chịu trách nhiệm hình sự tại các điều khoản khác của các luật khác như: luật sở hữu trí tuệ, luật dân sự, luật hình sự...

Vi phạm đạo đức báo chí là khái niệm chỉ những hành vi vi phạm những chuẩn mực, khuôn mẫu của người làm báo được thể hiện trong quy định đạo đức  nghề nghiệp của người làm  báo.

Phóng viên, nhà báo với tư cách công dân, họ cũng phải tuân thủ những khuôn mẫu đạo đức công dân, đạo đức xã hội. Với tư cách đảng viên, họ cũng phải chịu sự tôi rèn trong chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, tuân thủ Điều lệ Đảng, Cương lĩnh và các quy định của Đảng. Với tư cách là đoàn viên, hội viên khác, họ cũng phải chấp hành các điều lệ, quy định, đạo đức nghề nghiệp khi tham gia các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn Thanh niên, Công đoàn...) hay hội viên (các hội nghề nghiệp khác). Với tư cách là hội viên Hội nhà báo Việt Nam, tất nhiên họ phải chấp hành quy định đạo đức người làm báo. Ở các nước không còn luật báo chí, tuy người làm báo không bị quy định ràng buộc về pháp luật báo chí, nhưng nếu vi phạm pháp luật, họ sẽ phải chịu các mức xử phạt ở các luật khác. Nhưng ở những nước này, quy định đạo đức báo chí của tổ chức hội nghề nghiệp báo chí khá chặt chẽ với những điều khoản  thậm chí ở mức độ cao hơn luật báo chí. Họ quy định những gianh giới đỏ, nếu vi phạm nhiều lần cơ quan báo chí có quyền cho thôi việc phóng viên. Với những phóng viên  tự do, nếu vi phạm đạo đức nghề báo nghiêm trọng, họ sẽ gián tiếp bị treo bút, vì các  tác phẩm báo chí khó được các tòa soạn đăng bài.

Ở nước  ta, khi người làm báo tự nguyện tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đồng nghĩa phải chấp hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ([3]). Theo đó, hội viên phải chấp hành 10 điều quy định đạo đức  người làm báo. Cụ thể là: Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật. Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Cùng với đó, người làm báo, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải chấp hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam ( [4]). Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam”. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Theo đó, nếu hội viên vi phạm quy tắc, tùy từng vi phạm có thể nhắc nhở hoặc xử lý ở các hình thức cao hơn. Chính vì vậy, người làm báo phải nằm lòng ghi nhớ các khoản trong quy định tại Điều 3 của Quy tắc này, nếu không sẽ vô tình hoặc cố ý vi phạm khi tham gia mạng xã hội. Cụ thể là, người làm bào không được: đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác; bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội; Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền; thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc; Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội.

2. Nhìn lại chặng đường hoạt động báo chí những năm gần đây cho thấy, về cơ bản đội ngũ người làm báo luôn thể hiện rõ bản lĩnh nghề nghiệp, đam mê, nhiệt huyết, luôn dấn thân cống hiến vì sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, một số nhà báo tự đánh mất mình, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Có thể nhận rõ 3 vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí hiện nay cơ bản như: (1), vi phạm bản  quyền tác giả; (2), đạo tin, đạo báo; (3), sa vào thương mại hóa báo chí, lợi dụng nghề nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi, nhận hối lộ...

Thứ nhất, có thể thấy rằng, chưa bao giờ thấy tình trạng vi phạm bản quyền báo chí như hiện nay. Tình trạng sao chép, đánh cắp bản quyền tác phẩm báo chí xuất hiện ngày càng nhiều. Tình  trạng các cơ quan báo chí, trong đó, chủ  yếu là tạp chí của các Hội nghề nghiệp lấy lại bài của nhau không có có văn bản chấp thuận bản quyền của cơ quan báo chí có thông tin gốc tràn  lan, kéo dài, khó kiểm  soát. Một tác phẩm báo chí cùng một nội dung, một chủ đề đăng toàn văn hoặc biên tập lại nội dung, cắt cúp tít để đăng lại khá phố biến.

Thông tin tại Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức ngày 5/11/2020 được Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng  tải đã phác họa rõ nét bức tranh này ( [5]). Theo đó, tại diễn đàn này, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế; các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Dẫn kết quả khảo sát, Phó Tổng Biên tập Báo tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh Lê Xuân Trung cho biết: Cho đến nay, Báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn hơn 16 nghìn tác phẩm báo chí.  Việc lấy lại các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như: dẫn lại, trích nguồn mà không xin phép.... Không chỉ Báo Tuổi trẻ, nhiều báo khác cũng phải đối mặt với tình trạng này như báo Thanh Niên (gần 10.000 lần), VnExpress (gần 9.000 lần)... Cùng với vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, còn có tình trạng vi phạm thương hiệu báo chí, Báo Tuổi trẻ đã đề nghị rút giấy phép 2 trang mạo danh báo Tuổi trẻ...

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí hiện để lại những hậu quả nghiêm trọng: Cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền. 

Tổng Thư ký tòa soạn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ bản quyền, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cũng cho biết, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web có địa chỉ rõ ràng đến trang web không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn đường link. Trung bình trong 1 tháng, Tổ bảo vệ bản quyền Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh xử lý khoảng 70 -80 trường hợp vi phạm bản quyền để tổng hợp đề xuất các phương án xử lý theo quy trình, theo từng cấp độ như: gọi điện thông báo nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý...

Mặt khác, nhà báo Đinh Đức Thọ cho biết thêm, khó khăn nhất trong xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đến từ những trang web, tài khoản mạng xã hội “3 không”: Không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.

Cũng tại diễn đàn này, nhận định tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí đang diễn ra rất phổ biến, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (nay là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các tờ báo, mà nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Lâm, các cơ quan báo chí chính thống sẽ không còn cơ hội tăng nguồn thu nếu việc vi phạm bản quyền tràn lan không được kiểm soát.

Thứ hai, tình trạng đạo tin, đạo báo dường như đang trở thành vấn nạn diễn ra rất nghiêm trọng trong một bộ phận người làm báo. Thực tế cho thấy, hiện không ít phóng viên, nhất là phóng viên trẻ chủ yếu ngồi phòng máy lạnh, lướt mạng làm báo. Lười nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn để phát hiện đề tài mà chỉ sao chép, lấy thông tin báo bạn và trên mạng xã hội, rồi nhào nặn, biên tập qua loa. Là những tổng biên tập lâu năm, chúng tôi cảm thấy đau đầu về vấn nạn  đạo tin, đạo báo. Có không ít lần giao ban báo, tôi từng nói, ở những cơ quan báo chí sử dụng chủ yếu ngân sách nhà nước, chỉ có khoảng 25-30% nhà báo làm việc thực thụ nghề, còn lại sức í rất lớn, chủ yếu làm báo máy lạnh, copy paste. Còn ở những báo, tạp chí tự chủ về kinh phí, do cắt gọn nhân sự, lại chịu áp lực định mức với số lượng lớn tin bài nên tình trạng đạo tin, đạo báo diễn ra khá phổ biến.

Hệ lụy của tình trạng đạo tin, đạo báo là tin bài sống sượng, chất lượng kém, thậm chí thông tin  sai sự thật. Trong thực tế, có những chuyện bi hài, hàng loạt tờ báo cùng một nội dung thông tin cùng sai phạm, đều bị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông  nhắc nhở. Nguyên do là những thông tin không chuẩn các, sai sự thật, do không nghiên cứu sâu thực tiễn; thông tin ban đầu của một báo sai, rồi nhiều báo sao chép đăng lại cùng  sai! Thậm chí, nghiêm trọng hơn, có những bài điều tra cùng một nội nhưng nhiều báo cùng đăng, cùng sai phạm, do lấy thông tin từ các faceboker rồi nhào nặn, bịa đặt thông tin, hư cấu li kỳ,  giật gân, câu khách...

Thứ ba, sa vào thương mại hóa báo chí, lợi dụng nghề nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi, nhận hối lộ. Thực tiễn đời sống báo chí mấy năm gần đây đang hết sức lo lắng trước tình trạng vi phạm pháp luật báo chí ngày càng gia tăng. Đáng báo động là tình trạng một số cán bộ, phóng viên lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoạt động nghề báo để trục lợi. Trên thực tế, không ít nhà báo lợi dụng quyền hạn để làm những việc trái pháp luật. Đó là những hành vi lợi dụng danh nhà báo để tống tiền các doanh nghiệp. Hiện tượng “đánh hội đồng” đang trở thành vấn nạn. Một số nhà báo “hợp tác” rất chặt với nhau luôn săn tìm sơ hở, sai phạm của doanh nghiệm để tìm kế “quang chài”. Họ làm khá bài bản theo từng bước đi phù hợp để “rung” doanh nghiệp. Đầu tiên là gọi điện nhắc nhở để vòi vĩnh. Nếu vòi vĩnh không đạt mục đích thì chuyển sang hợp tác viết loạt bài, đe dọa và dọa sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. Đồng thời sử dụng danh nghĩa cơ quan báo, tạp chí gửi thư yêu cầu làm rõ các sai phạm của doanh nghiệp...

Thực tiễn không ít chủ doanh nghiệp có sai phạm về kinh tế... do quá lo lắng đã trở thành nạn nhân, sa vào “bẫy” của các nhóm phóng  viên chuyên “đánh hội đồng”. Nhưng cũng có không ít chủ doanh nghiệp nhận thấy không có sai phạm, lại có năng lực khá về pháp lý nên đã từ chối kiểu làm tiền của một số phóng viên. Những vụ án gần đây là một bằng chứng: một số doanh nghiệp đã phối hợp với cơ quan công an và đã tổ chức bắt quả tang các phóng viên nhận tiền hối lộ.

4. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới các vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí hiện nay? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, đó là nguyên nhân từ bản thân phóng viên, nhà báo. Đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo. Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí và không nhận thức đúng vai trò, chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí có một bộ phận nhỏ của nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu, ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức nhà báo. Bên cạnh đó, có thể nhìn nhận những tiêu cực của một số nhà báo qua các vụ án gần đây cũng xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí. Ở những cơ quan báo chí để xảy ra một số nhà báo tiêu cực, vi phạm pháp luật, đạo đức  báo chí là thiếu sự quan tâm giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan báo chí, của cấp ủy, chi hội nhà báo. Không ít cơ quan báo chí, chi bộ hoạt động mang tính hình thức, ít quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật và quy định đạo đức người làm báo; chi hội nhà báo hoạt động chiếu lệ, chủ yếu sinh hoạt vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Về nguyên nhân khách quan, trong đó cũng có ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo không tăng. Không ít cơ quan báo, tạp chí do tự thu, tự chi nên vô hình dung tạo cho nhà báo một áp lực lớn là chạy quảng cáo, tài trợ... bằng mọi cách để vừa có điều kiện nộp doanh thu khoán hằng tháng, hằng năm, vừa có thêm thu nhập cá nhân. Và về mặt nào đó, đã đẩy một số nhà báo dấn sâu vào con đường tiêu cực.

5. Vậy giải pháp nào để khắc phục, ngăn chạn tình trạng vi phạm pháp luật và đạo đức  báo chí ?

Rõ ràng là tình trạng vi phạm pháp luật và đạo đức  báo chí đang ngày càng trở nên nhức nhối, được cảnh báo tại nhiều diễn đàn, nhất là Hội nghị công tác báo chí hằng năm. Nhiều vấn đề căn cốt thật khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng có những giải pháp căn cơ trong điều kiện khả thi cũng cần sớm được triển khai mới có thể từng bước khắc  phục tình trạng này.

Một là, cần tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, Nhân dân và xã hội đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, hoạt động của người là báo. Đây là giải pháp căn cốt. Các cơ quan tuyên giáo các cấp và bản thân các  cơ quan báo chí cần quan tâm tuyên truyền để mỗi cấp ủy, chính quyền, người dân, cơ quan, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc  luật báo chí, các luật liên quan và các quy định đạo đức người làm báo, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo. Từ đó, nắm sâu được trách nhiệm của cơ quan báo chí, của nhà báo, cũng như ứng xử của người dân, cơ quan, doanh nghiệp với báo chí, với nhà báo. Hiểu sâu sắc về luật sẽ giúp người dân, doanh nghiệp giám sát được báo chí, không làm sai, dung túng cho các hành vi vi phạm, tiêu cực của nhà báo.

Hai là, bổ sung, sửa đổi, hoàn  thiện hành lang pháp  lý đối với báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo. Việc góp ý dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đang được báo giới và các xã hội đặc biệt quan  tâm. Điều đó là tất yếu, vì rất nhiều điều khoản của Luật Báo chí hiện hành đã quá cũ và lạc hậu so với đời sống báo chí hiện nay. Vì vậy, rất cần được tiếp thu tối đa những nội dung hợp lý để Luật Báo chí mới bắt kịp hơi thở của cuộc sống thời 4.0. Mặt khác, cũng cần sử đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, nhất là các điều khoản liên quan bản quyền tác phẩm báo chí in, báo chí điện tử. Sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định đạo đức người làm báo cho phù hợp. Theo đó nên gộp cả Quy định đạo đức người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam thành một quy định cho dễ thực hiện.

Ba là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chủ quản báo chí và Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo các tỉnh, thành  phố, đối với các cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên, hội viên.

Nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương qua các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần. Kịp thời có văn bản chỉ đạo, xử lý nghiêm khác, không có vùng cấm đối với các  cơ quan báo, tạp chí và  các cá nhân có sai phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước. Trong khi chưa có luật báo chí mới, cần ban hành bổ sung các văn bản pháp quy dượt luật để hướng dẫn thực hiện các quy phạm pháp luật cho phù hợp với đời sống báo chí hiện tại. Tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan báo, tạp chí. Xử lý thật nghiêm khắc và thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ quan báo, tạp chí và cá nhân nhà báo vi phạm pháp luật.

Hội nhà báo Việt Nam cần tăng cường chỉ đạo các cấp hội quan tâm giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng, phẩm chất đạo đức thường xuyên đối với người làm báo. Sớm có quy định nghiêm ngặt về chế độ sinh hoạt thường kỳ  hàng tháng đối với cấp chi hội nhà báo.

Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan báo chí, đứng đầu cấp ủy và chi hội nhà báo. Theo đó, từng cơ quan báo chí cần xây dựng các  quy chế, quy định của tòa soạn. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, gồm Tổng biên  tập, Bí thư cấp ủy, chịu trách  nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy, trước cơ quan chủ quản nếu để tập thể hay cá nhân vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí. Quy định rõ cơ chế giám sát các hoạt động nghề nghiệp, tác nghiệp báo chí, nhất là khâu bản quyền tác gả và điều tra theo thư bạn đọc. Đồng thời có cơ chế khen thưởng, biểu dương những gương nhà báo tiêu biểu và xử  lý nghiêm khắc các nhà báo tiêu cực như đạo tin, đạo báo, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí cũng phải xây dựng quy định về bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Bản quyền tác  phẩm báo chí là sự sống còn, duy trì ổn định, uy tín, thương hiệu của tờ báo với công  chúng, xã hội.

Để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, “điều quan trọng cần phải làm là các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền. Phải hiểu rõ thì mới có thể thực hiện đúng các quy định pháp luật và biết cách tự bảo vệ mình. Các cơ quan báo chí phải coi việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tăng cường các tuyến tin, bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí” ( [6]).

Bên cạnh đó, khi có hiện tượng vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền và tham gia chặt chẽ vào quá trình thực thi, góp ý sửa đổi các văn bản.

Năm là, Chính phủ cần  quan tâm, tạo điều kiện chăm lo đầu tư kinh phí cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo, tạp chí tự chủ kinh phí. Ví dụ: Có thể nghiên cứu cấp ngân sách cho mỗi cơ quan tạp chí của các hội một số định biên cơ hữu, gồm Tổng biên tập (chủ tài khoản), các Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn và kế toán trưởng. Nếu được cấp một phần ngân sách sẽ bớt gánh nặng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan báo, tạp chí, khắc phục một bước nghịch lý lâu nay: một bộ phận báo, tạp chí không được cấp nhân sách hoạt động, do thả nổi, tự bươn chải, nên sẽ bằng mọi cách để tăng nguồn thu để cân đối chi lương, nhuận bút cho cán bộ, phóng viên, hợp đồng./.


[1] Luật số: 103/2016/QH13, ngày 05  tháng  4 năm 2016

[2] Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

[3] Quyết định số 483/QĐ-HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam Nam về Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

[4] Quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Hội Nhà báo Việt Nam về ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

[5] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ve-ban-quyen-cac-tac-pham-bao-chi-567346.html

[6] https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ve-ban-quyen-cac-tac-pham-bao-chi-567346.html

 

TS. Trần Doãn Tiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN