Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào để đưa ngành gỗ Việt Nam vươn xa hơn?

Thứ Năm, 25/02/2021 19:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Gỗ là ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao trong những năm gần đây. Riêng năm 2020, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, ngành gỗ vẫn đạt con số ấn tượng với 12,32 tỷ USD, tăng tới 15,5% so với năm 2019. Bước sang đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục “ghi điểm” khi tiếp tục đạt mốc xuất khẩu tăng tới trên 48% so với năm 2020.

Là thế mạnh của Việt Nam và đã vươn tầm ra thế giới, trong khi nhận định vẫn còn nhiều dư địa về thị trường cho ngành hàng này thì đòi hỏi ngành gỗ Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp mang tính “đột phá” để từng bước nắm lấy cơ hội, phát huy lợi thế nhằm tăng tốc nhanh hơn nữa trong thời gian tới.

 Gỗ là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao trong những năm gần đây (Ảnh: QH)

Còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu

Nhìn lại ngành gỗ trong thời gian gần đây để thấy được đây là ngành duy trì được đà tăng trưởng liên tục và luôn đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức cao. Năm 2019, ngành gỗ cùng lâm sản (chiếm tỷ lệ lớn là gỗ) đạt kim ngạch 11,2 tỷ USD, và đến năm 2020, riêng ngành gỗ đã đạt tới 12,32 tỷ USD. Đây đều là những con số cao đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp.

Năm 2020 là một năm được đánh giá thành công đối với ngành gỗ Việt Nam. Mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu đồ gỗ chỉ giảm trong tháng 4 và tháng 5/2020; bắt đầu từ tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ liên tục tăng mạnh. Sức bật của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua thể hiện rõ sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các FTA đã có hiệu lực.

Bước sang tháng 1/2021, ngành gỗ tiếp tục “ghi điểm” bởi mức tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi giá trị xuất khẩu đạt 1,25 tỷ USD. Ngành gỗ của Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh được các thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020, chiếm tới 78,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Hiện nay, thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn với giá trị thương mại khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Theo tính toán, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, do vậy, dư địa xuất khẩu của ngành hàng này còn rất lớn khi vươn ra thị trường thế giới.

Làm thế nào để phát huy tiềm năng?

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, ngành gỗ của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ đạt những giá trị cao mới trong thời gian tới. Và trong năm 2021, ngành gỗ tiếp tục đặt mục tiêu đạt khoảng 13 tỷ USD (trong mục tiêu chung 14,5 tỷ USD về xuất khẩu lâm sản).

Để hướng tới các mục tiêu lớn, đòi hỏi ngành gỗ cần sự nỗ lực rất nhiều, đồng thời chính là từ sự bám sát thực tế và cần có những giải pháp mang tính đột phá.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng, với lợi thế ngành gỗ là ngành công nghiệp có sức hút, góp phần tăng giá trị lợi nhuận cho sản phẩm và giá trị gia tăng cho ngành cũng như thu hút được các nhà đầu tư mới và góp phần đưa thương hiệu của ngành gỗ của Việt Nam ra toàn cầu, do vậy, với tầm nhìn này, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt là việc rất cần thiết.

Ông Khanh nhấn mạnh, nếu việc xây dựng thương hiệu quốc gia thành công sẽ đồng nghĩa với việc sử dụng tốt nhất nội lực cốt lõi của ngành gỗ giúp thị trường phát triển bền vững. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận. Trong khi đó, với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có nhiều lợi thế để thực hiện.

Ông Khanh cho rằng, thương hiệu đồ Gỗ Việt Nam gắn liền với hình ảnh “Việt Nam là trung tâm sản phẩm gỗ và trang trí nội thất chất lượng cao của thế giới”. Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ, cần có sự chọn lọc và xác định nhóm doanh nghiệp điển hình để trở thành đại sứ thương hiệu, đại diện cho ngành gỗ Việt Nam trên các thị trường mục tiêu.

Giá trị của thương hiệu sẽ được xây dựng bằng chính nội lực, năng lực cạnh tranh bền vững, chất lượng của các doanh nghiệp. Từ nhóm doanh nghiệp điển hình sẽ nhân rộng theo lộ trình để đạt mục tiêu về quy mô, tính đồng nhất và khả năng lan tỏa của thương hiệu quốc gia gỗ Việt.  Đồng thời, về vấn đề này, cần xác định các thị trường trọng điểm theo từng giai đoạn để quảng bá thương hiệu quốc gia gỗ Việt.

Ngoài ra, theo ông Điền Quang Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương), để nâng tầm năng lực quản trị của ngành gỗ, cần tập trung vào một số "lực đẩy", trong đó gồm nguồn gỗ nguyên liệu.

Ông Hiệp cho rằng, nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững trong nước ngày càng chủ động sẽ là lợi thế của ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, đồng thời duy trì được khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Và để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững chỉ có con đường liên kết tiến đến phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn FSC (hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ) là hướng đi phát triển bền vững đúng đắn của ngành. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người dân, mang đến cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mang lại nguồn nguyên liệu chủ động và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai nhấn mạnh đến việc cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ trong việc tìm kiếm thị trường công nghệ tiên tiến. Đi cùng với đó là việc cần xây dựng hệ thống tiêu chí hàng rào kỹ thuật về yêu cầu đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư phát triển vào ngành chế biến gỗ.

Ông Lê Xuân Quân cũng đề cập đến việc cần thành lập sàn giao dịch điện tử ngành gỗ nhằm cung cấp thông tin về quản lý mua hàng, quản lý bán hàng, kết nối, giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến, tìm kiếm kênh phân phối mới trên phạm vi quốc tế. Đồng thời, kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, bảo đảm người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua sản phẩm trên sàn điện tử được tiếp cận với các loại thương mại bảo đảm tiêu chuẩn có truy xuất nguồn gốc sản phẩm,…

Ngoài ra, phát triển hạ tầng, giao thông, logistic cũng là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh sự phát triển của ngành gỗ. Về vấn đề này, theo ông Lê Xuân Quân, cần xây dựng các chương trình đầu tư cụ thể nhằm nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến giao thông quan trọng bao gồm: các tuyến đường kết nối, đường giao thông trong các khu, cụm công nghiệp. Phát triển hệ thống dịch vụ đại lý vận tải biển gắn liền với dịch vụ bến cảng sông nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ thực hiện hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu,…

Với việc kết hợp phấn đấu thực hiện các “chiến lược giải pháp”, tiếp tục hoàn thiện trên từng mặt đang còn là khó khăn, hy vọng sẽ tạo đà thuận lợi cho sự phát triển hơn nữa của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới./.

Bùi Thủy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN