Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào cho câu chuyện “biết rồi, khổ lắm,… nói mãi”?

Chủ Nhật, 04/12/2022 20:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nhiều năm qua, ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn, trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” tại Hà Nội. Và mỗi người dân Thủ đô ngày càng cảm thấy áp lực trầm trọng hơn. Bởi không chỉ đường to, đường chính mới ùn tắc mà từ nhà ra ngõ, từ đường bé đến đường lớn, đâu đâu cũng có thể gặp cảnh ùn tắc. Và vào dịp cuối năm này khi lượng tham gia giao thông tăng đột biến, áp lực này lại trở nên thường trực.

 

 Việc ô tô, xe máy xếp hàng nối đuôi nhau trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân diễn ra hằng ngày.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 23.439,61km đường giao thông. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,07%. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện đạt khoảng 17,8%.

Đáng chú ý, tính đến tháng 11/2022, toàn thành phố có hơn 7,78 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện. Đó là chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thường xuyên tại Hà Nội. Như vậy, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng từ 4 - 5%/năm.

Với số phương tiện giao thông gia tăng nhanh, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, mạng lưới giao thông phải “oằn mình” cõng một lượng phương tiện giao thông quá lớn thì tình trạng ùn tắc là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp. Quá tải, đuối sức, đường sá Thủ đô trở nên rất dễ tổn thương. Chỉ một xe máy rẽ ngang, một ô tô quay đầu chậm, thậm chí là một người đi bộ sang đường không đúng chỗ… cũng có thể gây ùn tắc giao thông kéo dài.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, năm 2022 thành phố đã xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều "điểm đen” ùn tắc giao thông khác làm nóng dư luận hàng ngày, gây nhiều khó khăn cho người dân. Toàn tuyến Vành đai 3, cả trên cao lẫn dưới thấp vẫn rơi vào bế tắc, ùn tắc giao thông trở thành điều hiển nhiên diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Những trục chính hướng tâm như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giải Phóng… vẫn là cơn “ác mộng” của người tham gia giao thông tại đây.

Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông đã được làm rõ trong nhiều năm qua. Đó là do lượng phương tiện quá lớn; hạ tầng giao thông kém phát triển. Rồi việc rào chắn hè đường thi công cứ nơi này xong thì nơi khác lại mọc lên. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận nhân dân chưa cao…

Trước thực trạng giao thông như thế này, trong khi Tết đang cận kề, không có cách nào khác, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang phối hợp với liên ngành tiếp tục tập trung công tác tổ chức giao thông xử lý 4 điểm ùn tắc giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo - đường gom Đại lộ Thăng Long.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo cho biết thêm, Sở tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến: Đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; đường Vành đai 3: Nút giao Pháp Vân - Ngọc Hồi - Giải Phóng; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng; Mai Dịch - cầu Thăng Long… Đồng thời, Sở xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân năm 2023. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp trước mắt chứ không thể làm được trong lâu dài.

Một số người cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông ở Việt Nam nói chung, Hà Nội đang là một vấn đề bức xúc. Điều này một phần là do chúng ta chưa đầu tư đúng mức vào cơ sở hạ tầng đường bộ. Bây giờ muốn hạn chế tình trạng ùn tắc thì hãy nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ. Nhưng nói thì dễ còn khi triển khai thì không đơn giản như vậy bởi muốn xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng không thể làm trong ngày một ngày hai. Điều này còn tùy thuộc vào tiềm năng kinh tế và kỹ thuật của đất nước, của Thủ đô. Hơn nữa, ngay cả khi điều kiện đó được đáp ứng thì cũng không thể triển khai trong một vài tháng hay một năm. Như vậy, việc giải quyết trước mắt sẽ cực kỳ quan trọng.

Còn việc thực hiện một số những đề xuất đã từng được đưa ra như hạn chế đăng ký xe máy, cấm học sinh đi học bằng xe máy hay quy định chạy vào các ngày chẵn, lẻ theo số đăng ký xe hay thu phí vào nội đô... đều vô lý và phản tác dụng trong thời điểm hiện tại. Sẽ có bao nhiêu trường học, cơ quan phải bố trí lại lịch làm việc theo những phương án đó?

Vẫn biết, để giải quyết tình hình giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông…

Nhưng có lẽ điều đầu tiên Hà Nội cần thực hiện là làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ. Hãy nhìn nhận xem những dự án giao thông chậm trễ do đâu và ai là chịu trách nhiệm? Việc di dời các cơ sở đông người ra ngoại thành khó triển khai ai là người liên quan? Những công trình rào chắn hè đường không đảm bảo tiến độ, gây ùn tắc giao thông thì ai phải đền? Việc tổ chức “thí điểm” các làn xe mà không xử phạt cũng khiến cơ quan chức năng không đánh giá hết được mọi vấn đề còn người dân thì…“nhờn luật”? Rồi việc xử phạt vi phạm giao thông giống như “dã tràng xe cát”, không thấm vào đâu…

Hơn lúc nào hết Hà Nội cần sự cương quyết, tinh thần trách nhiệm và sâu sát thực tế từ tất cả các cấp, ngành, địa phương. Và ý thức của người dân trong chấp hành luật giao thông là yếu tố cơ bản đầu tiên để hạn chế ùn tắc. Muốn thế điều đầu tiên là nên phổ biến rộng rãi trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí, tờ rơi, thi tìm hiểu... về luật giao thông, yêu cầu tất cả các đối tượng tham gia giao thông phải hiểu và tuân thủ luật. Đặc biệt để làm thức tỉnh điều đó với mọi người, cần phải đánh thật mạnh  vào kinh tế và các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…/.

Nam Khánh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN