Giải pháp nâng cao hiệu quả và bảo quản sản phẩm khai thác xa bờ
(ĐCSVN) - Để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, tàu thuyền phải được thiết kế hợp lý, vật liệu đóng tàu phải đáp ứng môi trường làm việc khắc nghiệt, cơ giới hóa các khâu sản xuất, thiết bị bảo quản phải đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển.
Ngày 19/6, tại Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) Quảng Ngãi tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ”.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay cả nước đã có trên 31.500 tàu cá xa bờ. Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác hải sản vẫn là lĩnh vực mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn (từ 20-30%).
Kết quả điều tra cho thấy, các tàu khai thác hải sản xa bờ lắp máy cũ chiếm tới 88,6% tổng số tàu khai thác xa bờ. Do máy cũ lại sai công năng sử dụng nên các loại máy này độ bền thường thấp, hay bị hỏng hóc bất thường, ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu quả chuyến biển. Trang bị khai thác chưa đầy đủ nên hạn chế hiệu quả khai thác và an toàn sản xuất…
Để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển… tàu thuyền phải được thiết kế hợp lý, vật liệu đóng tàu phải đáp ứng môi trường làm việc khắc nghiệt, cơ giới hóa các khâu sản xuất, thiết bị bảo quản phải đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai dự án Movimar để gắn thiết bị (chip) cho 3.000 tàu cá của ngư dân các thiết bị thu tín hiệu từ vệ tinh. Các tàu cá được trang bị các thiết bị này sẽ nhận được các thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường, tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và các thông tin quan trọng khác từ các cơ quan quản lý thủy sản trong bờ…
Tại Diễn đàn, Nhóm nghiên cứu của Viện KH&CN Khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) cho biết đã ứng dụng phần mềm trong thiết kế vỏ tàu và một số kỹ thuật mới trong thi công, chế tạo tàu vỏ thép, composite đảm bảo tăng độ bền, tiết kiệm vật liệu. Các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa quá trình đánh bắt tiếp tục được ứng dụng, chuyển giao, như: máy thu lưới vây tang treo, máy thu – thả câu cá ngừ đại dương của nghề câu tay kết hợp ánh sáng tại Bình Định…
Các thiết bị điện tử hàng hải như: máy đo sâu – dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc đã được sử dụng phổ biến trên tàu cá trong khu vực. Một số thiết bị điện, điện tử hiện đại như: máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc đa chức năng, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển… đã được lắp đặt trên một số tàu cá hoạt động xa bờ. Thiết bị giám sát tàu cá như Movimar, Zunibal, Blue Tracker cũng được lắp đặt nhằm nỗ lực gỡ thẻ Vàng của EC theo Luật Thủy sản 2017.
Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các cơ quan chuyển giao, các Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, Hiệp hội… triển khai nhanh xây dựng các mô hình khai thác, bảo quản có hiệu quả cao; tiếp tục đào tạo ngư dân theo hướng cầm tay chỉ việc và tập trung tuyên truyền cho nhiều người biết. Đối với bà con ngư dân, cần mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT trong khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm trên tàu để nâng cao hiệu quả trong khai thác, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; chấp hành các qui định trong khai thác, không vi phạm pháp luật… góp phần bảo vệ an ninh biển đảo và gỡ thẻ Vàng EU./.