Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) nằm trong Vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc Việt Nam, đã và đang trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch, môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng rác từ sinh hoạt và hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao động ) |
Do đó, để nâng cao nhận thức của người dân cần tăng cường các chiến dịch truyền thông kết hợp với hoạt động dọn dẹp bờ biển. Đồng thời, chính quyền địa phương nên đầu tư đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải nhựa, nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Cô Tô.
Vẫn chôn lấp là chủ yếu
Thị trấn Cô Tô là trung tâm của huyện Cô Tô, nơi tập trung dân cư đông đúc, thu hút đông đảo khách du lịch, sở hữu nhiều nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, chợ... lượng rác thải phát sinh về mùa du lịch là rất lớn. Theo nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng quản lý rác thải nhựa tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh” thực hiện năm 2019, của nhóm tác giả Lưu Thị Hoài Nam và Trần Thị Minh Hằng, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vào mùa du lịch, lượng rác thải phát sinh cao gấp từ 5-7 lần so với các mùa không có khách du lịch. Thành phần rác thải nhựa chủ yếu được tìm thấy tại huyện đảo này thường là chai, cốc nhựa, túi nilon, ống hút, hộp xốp. Nếu không được thu gom, xử lý kịp thời, lượng rác thải nhựa này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cũng như sức khỏe cộng đồng dân cư đang sinh sống, hệ sinh thái và môi trường biển.
Từ tháng 2/2019, công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên thị trấn Cô Tô được Công ty cổ phần môi trường đô thị Cô Tô thực hiện. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện của đơn vị được giao thực hiện trên địa bàn quản lý, đồng thời phối hợp với đơn vị thực hiện. Trước đây, rác thải được thu gom 1 lần/ngày, nhưng để đáp ứng nhu cầu hiện nay tần suất thu gom đã tăng lên 2 lần/ngày, đảm bảo rác thải được thu gom đúng giờ, nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng rác thải chất đống, bốc mùi hôi thối, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đường phố.
Đảo Cô Tô có 2 bãi rác là bãi rác Vòm Xi khu 4, thị trấn Cô Tô và bãi rác thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến. Năm 2018, bãi rác Vòm Xi đã hết công suất sử dụng và ngừng hoạt động. Hiện rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng tại thị trấn Cô Tô được thu gom, vận chuyển đến bãi rác thôn Trường Xuân để xử lý và chôn lấp. Hình thức xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại thị trấn Cô Tô vẫn chủ yếu là chôn lấp. Công tác xử lý còn nhiều hạn chế và cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý bãi rác, tránh để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Huyện Cô Tô hiện chưa có cơ chế chính sách về tái chế, cũng chưa có một cơ sở tái chế nhựa chính thức và hoạt động có hệ thống. Hoạt động tái chế chủ yếu tự phát từ cộng đồng thu nhặt ve chai.
Nâng cao nhận thức cùng với chính sách phù hợp
Kết quả nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng quản lý rác thải nhựa tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh” cho thấy, tại huyện đảo Cô Tô, hơn 63% số người được hỏi cho biết họ có quan tâm nhất định đến tác hại nghiêm trọng của rác thải nhựa qua các phương tiện truyền thông đại chúng; 92% cho rằng rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Tuy vậy, chỉ có 43% số người được hỏi có biết về tác hại của rác thải nhựa lên sinh vật biển. Thậm chí một số người cho rằng sinh vật biển không chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa vì biển rộng lớn, mênh mông, rác không thể làm thương tổn đến chúng. 44% người dân được phỏng vấn cho biết, họ có phân loại rác thải nhựa. Song hình thức phân loại chỉ đơn giản là giữ lại các loại nhựa có thể bán được cho lực lượng thu gom ve chai, còn các loại nhựa khác họ đều để chung với rác thải sinh hoạt.
Đối với các hộ dân buôn bán, tỷ lệ phân loại rác thải nhựa không cao, chỉ chiếm 21%. Nguyên nhân các hộ kinh doanh đề cập là do không có thời gian để phân loại, công việc kinh doanh, buôn bán bận rộn, nên họ không quan tâm đến phân loại rác thải nhựa. Nhựa dùng một lần bao gồm cốc nhựa, hộp xốp, thìa nhựa, bát nhựa, ống hút... được sử dụng rộng rãi và khắp mọi nơi. Khảo sát mức độ sử dụng đồ nhựa một lần đối với cộng đồng người dân, người buôn bán, khách du lịch tại thị trấn Cô Tô, có tới 70% thường xuyên sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Cô Nguyễn Thị Thùy, chủ một quán chè ở Cô Tô cho biết: Nhựa dùng một lần quá tiện lợi, mặc dù biết trên sách báo, trang mạng về tác hại của nó, nhưng cô vẫn dùng vì không có thời gian ngồi ăn, hoặc công việc không cho phép nên phải dùng nó. Người mua hàng cũng yêu cầu đựng vào cốc nhựa để cầm về cho tiện.
Theo nhà nghiên cứu Lưu Thị Hoài Nam: Qua khảo sát tại Cô Tô, công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa còn chưa hiệu quả và chưa được đầu tư đúng mức. Hoạt động phân loại và tái chế nhựa còn nhỏ lẻ, manh mún. Huyện Cô Tô chưa có các chính sách mạnh để hạn chế việc sử dụng và phát sinh rác thải nhựa. Mặc dù cộng đồng địa phương phần lớn đều nhận thức được vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, đã được tiếp xúc với các thông tin tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và phần nào sẵn lòng thay đổi thói quen sử dụng nhựa, nhưng đa số người dân chưa thực sự được chuẩn bị và đồng tình với chính sách giảm và thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều người dân cho rằng là việc thu gom rác thải nhựa không phải của họ mà là của công ty môi trường.
Chính quyền thị trấn Cô Tô và huyện Cô Tô nói chung cần đẩy mạnh hơn nữa các cam kết giảm thiểu và giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại địa phương, chú trọng vào việc thực hiện các chính sách giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa từ người tiêu dùng và sản xuất, nâng cao hiệu quả phân loại để tái chế, nâng cao tần suất, tỷ lệ thu gom và xử lý một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp hài hòa và ưu tiên hợp lý các giải pháp chính sách, kinh tế và truyền thông, nhằm đem lại kết quả tốt nhất trong việc quản lý rác thải nhựa tại địa phương. Trong đó, công tác truyền thông cần được chú trọng nhiều để nâng cao nhận thức của các đối tượng, mang lại thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách còn lại.
Bà Trần Thị Minh Hằng cho rằng, để nâng cao nhận thức về rác thải nhựa của người dân, chính quyền có thể tính đến những biện pháp như: Nghiên cứu ban hành chính sách để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; khuyến khích và hỗ trợ phân loại rác thải tại nguồn đối với các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình...; thành lập các hợp tác xã thu gom ve chai, nhựa có thể tái chế, tăng cường quản lý các cơ sở thu gom, tái chế, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả công tác thu gom tái chế nhựa; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về việc phân loại rác và thực hiện phương thức 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế); lồng ghép các chiến dịch truyền thông với hoạt động dọn dẹp bờ biển để nâng cao nhận thức của người dân một cách hiệu quả…/.