Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp căn cơ là phải thực sự tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí

Thứ Bảy, 13/06/2020 15:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phát biểu tại Hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Hôm nay 13/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua là chủ trương đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành và toàn dân hết sức đồng lòng. Một số lĩnh vực tạo được niềm tin và dấu ấn trong toàn dân. Đó là Chính phủ đã xây dựng kịch bản hành động và chương trình cụ thể; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Chính phủ đã chi ngân sách 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội. Hệ thống ngân hàng chính sách cũng đi sát với người dân, cho vay xóa đói, giảm nghèo…

Tuy nhiên, ĐB Phương chỉ ra, dịch COVID- 19 đã gây lên những hệ qủa nghiêm trọng,  số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc, thất nghiệp; nguồn thu quốc gia giảm nghiêm trọng; tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; các doanh nghiệp gặp khó khăn vay vốn ngân hàng; hàng hóa xuất khẩu không được xuất khẩu, tồn đọng trong kho quá lớn; các địa phương không hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách của quốc gia, địa phương hụt thu.

Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ “cần chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia và tỉnh”. Chính phủ, các bộ, ngành không chỉ đồng hành thực hiện mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” mà còn thực hiện mục tiêu “không để tỉnh nào ở lại phía sau”.

 ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: Q.Khánh.

 “Để không có tỉnh nào ở lại phía sau, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội; tao cơ hội quảng bá hình ảnh thu hút đầu tư…”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, song theo ĐBQH Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng vẫn còn những hạn chế đã tồn tại nhiều năm cần tiếp tục khắc phục. Điển hình như: Kết quả thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đạt hiệu quả, thu nội địa chưa đạt mục tiêu 84 - 85% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn có tỷ lệ cao, năm 2018 chiếm 65% cao hơn mục tiêu dưới 64%. Tình hình chấp hành kỷ luật ngân sách chưa nghiêm. Nợ công tuy có giảm nhưng áp lực trả nợ công vẫn tăng, vẫn phải vay để trả nợ gốc.

Vì vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, điều kiện nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm trong năm nay, ĐB Phạm Đình Toản đề nghị cần làm tốt công tác dự báo, tiếp tục đánh giá, giám sát, thanh tra kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn thu ngân sách nhà nước, chống thất thu. Cần cụ thể hóa chủ trương giảm thu phải giảm chi tương ứng cùng các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể và được kiểm soát tại kho bạc nhà nước, đăt mục tiêu tiết kiệm thêm tối thiểu 10% chi thường xuyên.

Đồng thời, có giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, cần tháo gỡ vướng mắc gắn với trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển vốn kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương và các dự án. Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, song theo ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. 

Theo ĐB, giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước.

Đầu tư các ngành kinh tế văn – xã là trụ cột, là khâu đột phá

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nhắc tới “điều kỳ diệu” của Việt Nam được thế giới khen ngợi trong chống dịch COVID-19.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Q. Khánh.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng dẫn chứng: Với phương châm trên hết, trước hết vì sức khỏe nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Hàng triệu người trên dưới một lòng đoàn kết quyết liệt chống dịch, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với các cán bộ y tế và những ngành có liên quan tận tụy làm việc ngày đêm, khi các cụ già, em nhỏ cùng chung tay chống dịch thì không người Việt Nam lương tri nào không làm theo.

 “Phải chăng chính văn hóa đó, trên gương mẫu, xung phong, nói đi đôi với làm, dưới lòng dân không ngại gian khổ khó khăn đã soi đường dẫn ta đến thành công. Dân tộc ta đã đang và sẽ có sức mạnh vô địch về văn hóa”, ĐB nói.

Khẳng định điều này, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, “khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm, văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao phát triển KT - XH, đặc biệt ở các nước có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc như nước ta”.

Cũng theo ĐB Nguyễn Quốc Hưng, đầu tư kinh tế - văn - xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh. Và điều lớn lao nữa là xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có của Việt Nam

ĐB Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế - văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch phát triển KT - XH thời gian tới và những năm tiếp theo.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) bày tỏ băn khoăn, hiện nay sau thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân còn chủ quan với các quy định về an toàn giao thông, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến và lượng rượu, bia bán ra nhiều hơn khi mới áp dụng Nghị định 100.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung thẳng thắn nói, “đã đến lúc chúng ta sớm trở lại ngăn chặn”. /.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN