Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải Nobel Kinh tế 2023: Vai trò của nữ giới trong thị trường lao động

Thứ Bảy, 14/10/2023 20:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong lịch sử 55 năm của giải Nobel Kinh tế, bà Claudia Goldin, 77 tuổi, Giáo sư trường Đại học Harvard, Mỹ là Nhà Khoa học nữ thứ 3 từng vinh dự đoạt giải thưởng cao quý này với công trình nghiên cứu về tác động của phụ nữ tới thị trường lao động toàn cầu.

Giải Nobel Kinh tế 2023 tôn vinh nữ Giáo sư trường Đại học Harvard, Mỹ, Claudia Goldin. (Ảnh: AFP/Getty Images 

Vào lúc 16h50 ngày 9/10 (giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Kinh tế 2023 thuộc về nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin, nữ giáo sư Đại học Harvard. Bà được trao giải "vì đã nâng cao hiểu biết cho thế giới về tác động của phụ nữ đối với thị trường lao động".

Cụ thể, công trình nghiên cứu của Giáo sư Goldin đã phát hiện những động lực chính dẫn đến sự chênh lệch giới trong thị trường lao động. Thông qua nghiên cứu của mình, bà đã đưa ra báo cáo toàn diện đầu tiên về thu nhập cũng như quá trình tham gia vào thị trường lao động của nữ giới trong nhiều thế kỷ qua. Nghiên cứu của Giáo sư Goldin đã vạch ra các nguyên nhân của sự chênh lệch giới trong thu nhập và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.

Với giải thưởng năm nay, Giáo sư Goldin là Nhà khoa học nữ thứ 3 được trao Giải Nobel Kinh tế. Trước đó, đã có 2 tác giả nữ được nhận giải thưởng cao quý này là bà Elinor Ostrom (năm 2009) và bà Esther Duflo (năm 2019).

Mấu chốt gây chênh lệch thu nhập

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Goldin đến từ bản báo cáo toàn diện đầu tiên về thu nhập của phụ nữ và vai trò của nữ giới trong thị trường lao động nhiều thế kỷ qua. Giải thưởng Nobel Kinh tế 2023 dành cho bà Claudia Goldin chính là sự công nhận về bình đẳng giới, đồng thời cũng là chìa khoá để trả lời câu hỏi “làm thế nào để các nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa?”

Với bà Goldin, việc nghiên cứu công việc của phụ nữ không hề dễ dàng. Bà Goldin đã tìm kiếm các kho lưu trữ và thu thập dữ liệu trong hơn 200 năm từ Mỹ. Một trong những phát hiện quan trọng nhất của bà là nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt về tiền lương, thời gian lao động của nữ giới không đến từ mặt sinh học, mà là do sự hạn chế bởi việc kết hôn và trách nhiệm với gia đình. Nghiên cứu của bà không chỉ hé lộ các xu hướng mới, phát hiện nguyên nhân của sự thay đổi, mà còn đi thẳng vào các nguyên nhân chính gây ra bất bình đẳng giới.

Bà Claudia Goldin đã chứng minh sự hiện diện trong thị trường lao động của phụ nữ sau khi lập gia đình đã giảm khi thế giới bước vào quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp vào đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, sau đó, sự phát triển của ngành dịch vụ vào đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ giới trong thị trường lao động. Trong thế kỷ qua, tỷ lệ phụ nữ làm công việc được trả lương tăng gấp 3 lần ở nhiều nước có thu nhập cao. Giáo sư Goldin giải thích, mô hình này là kết quả của sự thay đổi cơ cấu và các chuẩn mực xã hội ngày càng phát triển liên quan đến trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình.

Trong thế kỷ 20, trình độ học vấn của phụ nữ liên tục tăng lên và ở hầu hết các nước có thu nhập cao, trình độ học vấn của phụ nữ hiện nay cao hơn đáng kể so với nam giới. Bà Goldin đã chứng minh rằng việc sử dụng thuốc tránh thai đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính cách mạng này khi đã giúp phụ nữ có thêm lựa chọn về kế hoạch sự nghiệp và gia đình cho mình.

Tuy nhiên, bất chấp quá trình hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ phụ nữ có việc làm ngày càng tăng trong thế kỷ 20, khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới hầu như không thu hẹp lại trong một thời gian dài. Theo bà Goldin, một phần nguyên nhân nằm ở việc các quyết định về giáo dục hướng nghiệp được đưa ra ở độ tuổi tương đối trẻ. Nếu phụ nữ theo bước các thế hệ trước, tức đợi con cái lớn lên mới đi làm lại thì triển vọng nghề nghiệp sẽ bị hạn chế.

Trong quá khứ, chênh lệch về thu nhập giữa nam giới và nữ giới chủ yếu do sự khác biệt trong giáo dục và nghề nghiệp, nhưng hiện nay, sự khác biệt này xuất hiện khi họ đang làm cùng một lĩnh vực nghề nghiệp, và chủ yếu khi họ bắt đầu có đứa con đầu lòng, buộc nhiều người phải giảm bớt giờ làm hoặc bỏ qua các cơ hội thăng tiến vì phải đảm nhận phần việc chăm con tại nhà.

Nghiên cứu của Goldin cho thấy rằng mặc dù đã có tiến bộ trong việc thu hẹp chênh lệch trong các thập kỷ qua nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy điều này sẽ được hoàn toàn xóa bỏ. Phụ nữ thường đảm nhận phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình cho nên phụ nữ cần những công việc linh hoạt hơn.

Giải Nobel Kinh tế là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968
để  tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel. (Ảnh: Nobelprize.org)

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động

Ông Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học kinh tế, nhấn mạnh “hiểu được vai trò của phụ nữ trong thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội”. Theo ông, nhờ nghiên cứu mang tính đột phá của Giáo sư Goldin, thế giới đã hiểu nhiều hơn về các yếu tố cơ bản và những rào cản có thể cần phải giải quyết trong tương lai.

Nghiên cứu của bà Goldin không đưa ra giải pháp, song các phát hiện của bà Goldin phần nào gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách có những biện pháp can thiệp vào sự khác biệt về giới trên thị trường lao động trong tương lai. Điều cần thiết phải tăng cường đầu tư và nâng cao hiểu biết về vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động và đổi mới giáo dục, loại bỏ các rào cản có thể khiến nghề nghiệp và trình độ học vấn của phụ nữ tụt hậu so với nam giới. 

“Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được bình đẳng giới cho đến khi chúng ta có được bình đẳng giữa các cặp đôi. Mặc dù đã có thay đổi đáng kể nhưng đồng thời cũng có những chênh lệch quan trọng, thường liên quan đến chuyện phụ nữ phải làm nhiều việc nhà hơn", bà Goldin khẳng định.

Bà Goldin cũng cho rằng, trên thực tế phụ nữ cần nhiều sự giúp đỡ hơn, nhất là từ những người bạn đời của họ, trong việc cân bằng giữa việc chăm sóc con cái và trách nhiệm công việc.

Bà Ingrid Werner, Giáo sư Kinh tế Tài chính và là thành viên của Ủy ban Giải thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng nghiên cứu của bà Goldin. "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh lại rằng hiểu được sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và tiềm năng thu nhập của họ là vô cùng quan trọng đối với xã hội. Bởi vì nếu phụ nữ bị cản trở theo cách nào đó trong việc tham gia, hoặc tham gia với những điều kiện không bình đẳng, chúng ta sẽ mất đi các kỹ năng, nguồn cung lao động và nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng”.

Có tên gọi đầy đủ là Giải thưởng của Ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển vào năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel./.

H.Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN