Giai đoạn 2011 - 2021 tạo đà phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2011 - 2021, các chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, hoàn thiện, đặc biệt là các công trình điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, trong giai đoạn 2011 - 2021, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, vốn vay ODA và các nguồn đầu tư khác.
Cụ thể, trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước đã bố trí gần 247 nghìn tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết bố trí thêm 5.399 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014 để thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó là số kinh phí 68.736 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu; nguồn vốn ODA khoảng 2,6 tỷ USD, nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ khoảng 5,5 triệu USD.
So với các giai đoạn trước, ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2021 đã tăng lên.
Nhờ các nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào Raglai ở thôn Đá Hang, thuộc địa bàn Vườn Quốc gia Núi Chúa tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận ngày càng phát triển (Ảnh: Phương Liên) |
Các chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, hoàn thiện, đặc biệt là các công trình điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Bình quân vùng Tây Bắc tăng 8,4%; các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%; vùng Tây Nam bộ tăng 7,3%. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá.
Đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% xã có bác sĩ chăm sóc sức khoẻ nhân dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động, cung cấp các dịch vụ viễn thông và internet…
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm. Hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%/năm, có nơi giảm trên 5%/năm. Các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có trên 90% người dân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế…
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, đảm bảo an sinh xã hội; niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước được nâng lên; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không phát sinh các điểm nóng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.