Giai điệu tự hào tháng 8: Đồng đội
(ĐCSVN) - Giai điệu tự hào tháng 8 là câu chuyện về tình thương yêu đồng chí, đồng đội được tôi luyện, thiết lập vững chắc trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với tên gọi “Đồng đội”, nhằm hướng tới 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Chương trình do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3 phối hợp thực hiện, hướng tới 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Giai điệu tự hào tháng 8 phát sóng vào lúc 20h40 ngày 11/8 trên VTV1.
Tình thương yêu đồng chí, đồng đội được tôi luyện, thiết lập vững chắc trong Quân đội Nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cho đến nay, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng đó đã trở thành nét đẹp truyền thống, thành bản chất không thể phai mờ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ. Dù là thời chiến hay thời bình, tình đồng chí, đồng đội luôn là một trong những nhân tố “gốc” cấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta; tạo nên sức mạnh đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Giai điệu tự hào tháng 8 với tên gọi "Đồng đội". Ảnh: VTV |
Chương trình Giai điệu tự hào tháng 8/2024 được chia làm 3 chương: Chương I. Quê hương anh nước mặn đồng chua; Chương II. Súng bên súng đầu sát bên đầu; Chương III. Đồng chí.
Từ đời xưa, ông cha ta đã có truyền thống “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”. Ấy là những câu nói về tình đồng đội, về mối quan hệ của người chỉ huy với người chiến sĩ như tình cảm cha con; tình anh em trong gia đình, trở thành truyền thống, nét đẹp văn hoá quân sự Việt Nam, tạo nên sức mạnh đoàn kết để Quân đội ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Đan xen trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 8 sẽ là những phóng sự về tình đồng chí trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những hoàn cảnh khác nhau, đó là chuyện tình của nữ thanh niên xung phong với anh bộ đội lái xe Trường Sơn, hay tình bạn sôi nổi của những sinh viên mới lớn ngoài chiến trường ác liệt, hơn thế nữa còn là khi người đồng đội đặt tên cho con gái của một người chiến sĩ Điện Biên. Thông qua những câu chuyện này, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của những người lính trong gian khổ một lần nữa được ngợi ca, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc.
Xuất hiện trong chương trình sẽ có những nhân vật đặc biệt gắn liền với từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhạc sĩ Đào Hữu Thi được mệnh danh là “nhạc sĩ của Trường Sơn” với hơn 100 ca khúc được khán giả, các cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh yêu mến. Ngay trên sân khấu, những câu chuyện, kỷ vật quý giá gắn liền với nhạc sĩ: Mũ cối, bản nhạc chép tay dọc chiến trường, album thời trẻ như một lời nhắc nhở hữu hình về một thời chiến trường của ông; đặc biệt là hình ảnh nhạc sĩ Đào Hữu Thi ôm cây đàn guitar hát những ca khúc về tình đồng đội vô cùng bồi hồi. Mỗi ca khúc của ông như một câu chuyện nhỏ, kể về cuộc sống đồng đội, về tình yêu, về nỗi đau và hy vọng của những người lính.
Hai MC Đức Bảo - Hồng Nhung giao lưu cùng nhạc sĩ Đào Hữu Thi - người nhạc sĩ Trường Sơn với hơn 100 ca khúc bất hủ. Ảnh: VTV |
Một trong những điểm nhấn của chương trình đó chính là cuộc gặp gỡ bất ngờ của những người thuộc thế hệ “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” giữa ông Trịnh Duy Luân và 2 đồng chí là đại diện hội các cựu chiến binh Trường Đại học Kinh tế quốc dân nói về những hoạt động kết nối, tưởng nhớ những người đồng đội sinh viên đã ngã xuống nơi chiến trường. Cùng với đó, những bức thư trao đổi giữa các chiến sĩ là minh chứng rõ nét cho tình đồng đội sâu sắc. Dù chiến tranh ác liệt khiến việc liên lạc trở nên khó khăn, nhưng tình cảm giữa họ vẫn luôn bền chặt. Lời dặn dò “Nếu còn sống thì về thăm gia đình nhau” đã trở thành động lực để các cựu chiến binh tìm kiếm và đoàn tụ sau chiến tranh.
Gần 50 năm sau ngày nhập ngũ, các cựu chiến binh đã thực hiện lời hứa năm xưa. Họ đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, tìm về thăm nhà, thăm mộ những đồng đội đã hy sinh. Những chuyến đi ấy không chỉ là hành trình tìm về quá khứ mà còn là cơ hội để họ tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Như thường lệ, âm nhạc là sợi dây gắn kết những câu chuyện và phóng sự trong chương trình. Với 7 ca khúc quen thuộc: Liên khúc Đồng chí, Liên khúc Cùng nhau đi hồng bình & Ta ra trận hôm nay, Múa Sinh viên lên đường ra chiến trường, Đồng đội, Màu hoa đỏ, Trái tim người chiến sĩ và Việt Nam trong tôi, được nhạc sĩ Hoàng Anh Minh phối khí với phong cách mới. Chương trình cũng có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến như: NSND Tấn Minh, nhóm Dòng thời gian, ca sĩ Tạ Quang Thắng, Hoàng Hồng Ngọc, Phạm Thu Hà, Tùng Dương, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và tốp ca biểu diễn chuyên nghiệp cũng xuất hiện đầy bất ngờ với những bản phối mới nhiều cảm xúc.
NSND Tấn Minh tham gia biểu diễn tại Chương trình. |
Cùng những bài ca tri ân hấp dẫn là phần sân khấu của chương trình, được chú trọng với màn hình led cỡ lớn tạo ra lớp lang thay đổi tương ứng với từng bối cảnh của ca khúc.
Dù thời chiến hay thời bình thì tình đồng chí, đồng đội vẫn mãi keo sơn, thiêng liêng và vô cùng xúc động, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc. Chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 8 cho chúng ta cảm nhận nhiều hơn không chỉ về tình đồng chí mà còn là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc./.