Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giá sách giáo khoa hợp lý khi tính đúng, tính đủ chi phí “khớp” với khả năng chi trả của người dân

Thứ Ba, 17/09/2024 15:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết để làm nên 1 bộ sách giáo khoa, 1 cuốn sách giáo khoa thì không chỉ có khâu biên soạn mà còn rất nhiều chi phí khác.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trong những năm qua, Quốc hội đã nhiều lần bàn đến vấn đề giảm giá sách giáo khoa và khi sửa đổi Luật Giá thì việc định giá, đưa sách giáo khoa vào danh mục những mặt hàng được Nhà nước định giá đã thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc phải kiểm soát được giá sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Có thể thấy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về việc cần phải kiểm soát các chi phí in ấn, biên soạn sách giáo khoa và về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước cũng đã vào cuộc rất tích cực. Như vậy, từ các bên, Nhà nước, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc các vai của mình để giảm giá sách giáo khoa.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.

Về phía nhà xuất bản và các cơ quan phát hành, họ tính mức giá giảm hợp lý trên cơ sở phải tính đúng, tính đủ các khâu chi phí liên quan đến biên soạn, in ấn và phát hành. Còn về phía người tiêu dùng, mức giảm hợp lý lại phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân. Như vậy, mức độ hợp lý nhất là khi nào chi phí tính đúng, tính đủ của nhà xuất bản khớp với khả năng chi trả của người dân thì mức đó là hợp lý.

Chia sẻ về vấn đề mặc dù giá sách giáo khoa năm nay đã giảm nhưng giá này vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa trước đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc so sánh giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn sách giáo khoa ngày trước là chưa hợp lý. Vì trước đây, sách giáo khoa được Nhà nước hỗ trợ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành. Hiện nay, thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa thì phải tính đúng, tính đủ.

Đề cập câu chuyện, nếu sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn sách giáo khoa thì giá thành có giảm hay không, về mặt lý thuyết đương nhiên giảm vì khâu biên soạn là một trong những chi phí để tạo nên giá thành của sách giáo khoa. Nếu Nhà nước sử dụng ngân sách để biên soạn và không tính giá biên soạn vào giá thành thì đương nhiên giá sách giảm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cũng lưu ý thêm, để làm nên 1 bộ sách giáo khoa, 1 cuốn sách giáo khoa thì không chỉ có khâu biên soạn mà còn rất nhiều chi phí khác. Nếu không có chi phí cho biên soạn nhưng không kiểm soát được các khâu còn lại, đặc biệt là các chi phí trung gian thì chưa hẳn bộ sách đấy sẽ giảm giá. Đó là chưa nói tới chuyện, nếu sách giáo khoa in với lượng ít thì giá thành sẽ cao, nhưng nếu được các nhà trường lựa chọn nhiều, in với số lượng lớn thì đương nhiên giá sẽ giảm. Do vậy, việc cho rằng, Nhà nước đứng ra làm một bộ sách giáo khoa sẽ điều chỉnh được giá cả thị trường thì đại biểu cho rằng, đó chỉ là một phần.

Nhà xuất bản phải kiểm soát được các chi phí đầu vào để tiết giảm được các khâu trung gian không cần thiết và đảm bảo chất lượng tốt nhất của các bộ sách để các cơ sở giáo dục lựa chọn nhiều, từ đó có số lượng in lớn sẽ giúp giảm giá thành. 

Đề cập đến việc sách giáo khoa được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay, đối với ngành Giáo dục, khi thực hiện trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Giá sửa đổi, đó là định giá trần sách giáo khoa thì đây là điều kiện để các nhà xuất bản tự tính giá thành nhưng phải trong khuôn khổ giá trần này. Việc này sẽ kiểm soát được vấn đề tăng giá một cách bất hợp lý.

Về phía các nhà xuất bản, nếu thực hiện một cách nghiêm túc đúng tinh thần của Luật Giá và các quy định của luật pháp thì các nhà xuất bản cũng sẽ không thiệt. Thực hiện định giá là một cách để các nhà xuất bản cạnh tranh bình đẳng. Vấn đề ở đây là nhà xuất bản phải kiểm soát được các chi phí đầu vào để tiết giảm được các khâu trung gian không cần thiết và đảm bảo chất lượng tốt nhất của các bộ sách để các cơ sở giáo dục lựa chọn nhiều, từ đó có số lượng in lớn sẽ giúp giảm giá thành.

Về phía người tiêu dùng, việc định giá đương nhiên có lợi vì sẽ không phải mua các bộ sách, cuốn sách giáo khoa có giá quá cao, đây chính là mong muốn của cử tri và người dân cả nước thời gian qua. Đôi khi người dân không băn khoăn quá nhiều vào việc giá thành cao hay thấp mà vấn đề là phải minh bạch trong thị trường làm sách giáo khoa để quyền lợi của người dân và nhà xuất bản hài hòa.

Giảm giá sách giáo khoa là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, điều mà phụ huynh hiện nay quan tâm hơn là làm sao để giảm được cả số đầu sách trong một bộ sách. Bởi thực tế, ở nhiều trường, số sách tham khảo, bài tập mà học sinh phải mua rất nhiều, trong đó có những cuốn ít dùng đến, thậm chí là không dùng.

Chia sẻ thêm về điều này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay, chúng tôi đi giám sát cũng thấy học sinh phản ánh có bộ sách mua từ đầu năm học nhưng cả năm có quyển không động đến. Nếu bộ sách này mua qua nhà trường thì trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường. Khi nhà trường đưa một danh mục sách giáo khoa lẫn với sách tham khảo, sách bài tập mà “ép” học sinh mua thì đương nhiên nhà trường sai. Nhưng nếu sách giáo khoa mà do phụ huynh mua ở các nhà sách nhưng không nghiên cứu kỹ, mua về cho con em mình các loại sách không sử dụng đến thì lỗi đấy lại thuộc về phụ huynh.

Năm 2022, trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một văn bản liên quan đến vấn đề sử dụng sách giáo khoa và các sách tham khảo trong nhà trường, có nghiêm cấm việc các nhà trường giới thiệu không minh bạch sách giáo khoa với các loại sách khác. Động thái của cơ quan nhà nước về việc này đã rõ, điều quan trọng là phải kiểm soát chặt chẽ, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục để nhà trường phải có trách nhiệm kiểm soát vấn đề này. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong lĩnh vực giáo dục cũng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, nắm thông tin. Nếu phát hiện sai phạm thì phải can thiệp sớm.

Về phía các cơ quan có chức năng giám sát như các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hội phụ huynh và các bậc phụ huynh cũng phải phát huy vai trò giám sát vào cuộc đồng bộ, để sách giáo khoa phải đúng là sách giáo khoa. Nếu chúng ta làm tốt tất cả các khâu thì có lẽ, câu chuyện giá sách giáo khoa không còn là vấn đề nóng trước thềm mỗi năm học mới./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN