Giá như…
(ĐCSVN) - Giá như trái tim người bố ấy không vô cảm, giá như những người hàng xóm có thể lên tiếng mạnh mẽ, triệt để hơn, giá như những kỹ năng sống được trang bị cho trẻ em đầy đủ hơn… Và giá như có một phép màu…thì có lẽ, nỗi đau đã không xảy ra với một cháu bé 8 tuổi vừa tử vong do bị bạo hành tại TP Hồ Chí Minh.
Bé gái có nhiều vết bầm trên người khi được đưa vào bệnh viện (Nguồn: Báo Thanh niên) |
Mấy ngày nay, khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội đều bàn tán xôn xao về vụ cháu bé N.T.V.A (8 tuổi) bị bạo hành dẫn đến tử vong tại TP Hồ Chí Minh. Dư luận rất căm phẫn trước hành vi ác độc, dã man của người đàn bà - “dì ghẻ” song cũng vô cùng tức giận trước thái độ của người bố cháu bé.
“Người đàn bà kia không máu mủ gì thì không nói rồi, nhưng sao ông bố biết con mình bị đánh đập dã man bao ngày vậy mà ngó lơ, không hề có phản ứng gì vậy? Ở cùng nhà, không thể nói không biết được. Cô gái kia đâu phải đánh lần đầu. Trái tim ông ấy không lẽ lại vô cảm đến vậy?”, chị Xuân (ngụ tại Quận 7) xót xa chia sẻ.
Nhiều người đã bàng hoàng không dám tin vào sự thật đau lòng này. Anh Tiến cũng có con gái bằng tuổi bé A bức xúc: “ Tôi không thể tưởng tượng nổi sao chị ấy có thể đánh con bé dã man tới thế. Tôi không dám nhìn vào những tấm hình chụp vết bầm tím trên cơ thể cháu bé đang lan truyền trên mạng xã hội. Khi con ra đời, bố mẹ nào, gia đình nào cũng ngập tràn hạnh phúc, cưng nựng, vỗ về, dành tất cả yêu thương cho con. 8 năm con bên mình, bao hạnh phúc, niềm vui, bao động lực trong cuộc sống cũng từ con cái mang lại. Là một người bố, nhìn con đứt tay hay con vấp ngã thôi, mình cũng xót rồi. Tôi nghĩ ai cũng có cảm xúc như vậy cả. Cớ sao người bố kia lại không phản ứng gì, để con mình chịu đựng đau đớn, sợ hãi và tột cùng nỗi đau là phải mất cả mạng sống”…
Đau lòng, xót xa trước sự ra đi của cháu bé, dư luận chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng để tìm ra sự thật.
Thời gian gần đây, số vụ bạo hành trẻ em đang diễn ra ngày càng nhiều. Có lẽ đây cũng không phải là vụ bạo hành trẻ em dẫn tới tử vong đầu tiên mà dư luận lên án mạnh mẽ và gây chấn động. Mới đây, vào ngày 16/9, tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, một cháu bé 6 tuổi cũng đã tử vong do trong quá trình dạy con học, thấy con chậm tiếp thu bài, người bố đã giận dữ, dùng đũa, thanh tre và cán chổi đánh con.
Hay như năm ngoái, tại Hà Nội, một vụ án thương tâm xảy ra khi cháu bé 3 tuổi bị bố dượng và mẹ đẻ bạo hành cũng dẫn tới tử vong. Tháng 11/2020, tòa đã tuyên án cha dượng tử hình, người mẹ chung thân…
Bạo hành trẻ em cần phải được lên án, nhưng điều cả xã hội sửng sốt và đau lòng là nhiều vụ xâm hại và bạo lực tàn bạo lại do chính người thân trong gia đình các em gây ra hoặc cùng tham gia, cùng chứng kiến.
Có nhiều lý do dẫn tới bạo hành trẻ em, trong đó có thể do bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha, mẹ, người thân; do tính cách và các vấn đề khác như lạm dụng rượu bia hoặc ma túy…
Việc bạo hành trẻ em đã để lại hậu quả nặng nề cho những đứa trẻ từ thể xác tới tinh thần: gây ra các chứng bệnh về thần kinh, tự kỷ, bị thương tích suốt đời, tật nguyền…thậm chí tử vong. Đây là hiện tượng đi ngược lại với đạo đức của người Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ, Chăm sóc Giáo dục trẻ em.
Người dân chung cư - nơi bé gái sống cùng cha ruột và mẹ kế tổ chức buổi tưởng niệm tối 27/12 (Ảnh: VŨ PHƯỢNG) |
Gây ra tội thì sẽ phải đền tội. Bản án pháp luật sẽ được thực thi công bằng với mỗi hành vi vi phạm nhưng có lẽ những bản án từ tòa án lương tâm mới là cái giá mà họ phải trả.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, với hệ thống các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành thì Việt Nam không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính, nhất là khi nước ta là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em năm 1990.
Là quốc gia thành viên, ngay sau khi phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 và năm 2004, gần đây nhất tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em với 7 chương, 106 điều (tăng 46 điều) và có hiệu lực từ 1/6/2017. Đây là nền tảng quan trọng, là cơ sở pháp lý để cho ra đời hàng loạt quy định pháp luật khác để bảo vệ trẻ em. Do đó, cần có cái nhìn đúng đắn về quyền trẻ em. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, lực lượng làm công tác bảo vệ trẻ em.
Cùng với đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để chính những người làm cha, mẹ, những người thân trong gia đình hiểu một cách sâu sắc về Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục trẻ em và thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với trẻ em. Chăm sóc tốt cho trẻ em không chỉ đáp ứng về ăn uống, điều kiện sống, học tập, mà còn phải đảm bảo được tình thương gia đình, sự tôn trọng và tạo điều kiện cho con trẻ phát triển.
Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với đối tượng Trang để điều tra về hành vi hành hạ người khác (Ảnh: Công an cung cấp) |
Bên cạnh đó, thì vai trò của những người dân sống xung quanh cũng vô cùng quan trọng. Câu chuyện của cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh vừa tử vong, những người hàng xóm xung quanh cũng đã biết nhiều lần trước đó cháu bé bị quát mắng, đánh đập, la khóc. Bảo vệ tòa nhà cũng đã tiếp nhận thông tin và lên tận nơi để hỏi về sự việc. Thế nhưng, cuối cùng, bé gái bất hạnh ấy vẫn không được bảo vệ kịp thời. Qua đây, chúng ta thấy rằng, phải làm sao để chính cộng đồng khi phát hiện vụ việc có thể can thiệp ngay. Cần phải hình thành, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với các vấn đề chung của xã hội.
Ngoài ra, trong các nhà trường, cũng cần tăng cường công tác giáo dục để truyền đạt cho các em học sinh đầy đủ các kỹ năng sống cần thiết, trong đó có việc nâng cao khả năng tự vệ, tự phòng chống bạo hành cho chính bản thân mình. Các em cần phải hiểu biết về quyền của mình để lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.
Giá như trái tim người bố ấy không vô cảm, giá như những người hàng xóm có thể lên tiếng mạnh mẽ, triệt để hơn, giá như những kỹ năng sống được trang bị cho trẻ em đầy đủ hơn… Và giá như có một phép màu…thì có lẽ, nỗi đau đã không xảy ra với cháu bé.
Đây thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với mỗi chúng ta, nhất là những người làm bố, làm mẹ.
Được biết, trước sự nghiêm trọng của vụ việc trên, chiều 28/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã chỉ đạo, giao Công an Thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan.
Lãnh đạo UBND Thành phố cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi, phối hợp, hướng dẫn UBND quận Bình Thạnh hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp theo quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đồng thời theo dõi tiến độ xử lý vụ việc, tổng hợp báo cáo theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, không để xảy ra vụ việc tương tự trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, tối 22/12, cơ quan chức năng nhận tin báo từ một bệnh viện (đóng tại quận Bình Thạnh) với nội dung bệnh viện có cấp cứu một bé gái (do bố ruột là N.K.T.T sinh năm 1985, ngụ quận Bình Thạnh đưa đến cấp cứu) trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Nhận tin báo, các đội nghiệp vụ của Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an phường 22 xuống bệnh viện ghi nhận lời khai những người liên quan, điều tra làm rõ vụ việc. Kiểm tra thi thể, bác sĩ ghi nhận cháu bé có những vết bầm lớn nhiều nơi trên cơ thể, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ những vết thương và mảng thâm, bầm trên cơ thể bé, cơ quan chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong. Dựa vào kết quả pháp y, kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của người tình nghi cùng nhân chứng, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Trang (người phụ nữ trên có quan hệ tình cảm, sống chung như vợ chồng với bố cháu bé) để phục vụ công tác điều tra. Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Qua điều tra ban đầu xác định, vào khoảng 14 giờ ngày 22/12, Trang hướng dẫn cháu A học bài; cháu A chậm tiếp thu bài nên Trang lớn tiếng la mắng và dùng 1 cây gỗ đánh cháu A. Sau đó, Trang phát hiện cháu A bị nôn ói nên chạy đến đỡ cháu dậy, gọi điện thoại anh T về đưa cháu vào Bệnh viện cấp cứu nhưng cháu A đã tử vong sau đó. |