Gia Lai: Quan tâm và phát huy vai trò của Người có uy tín
(ĐCSVN) - Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Ủy ban MTTQ TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của Người có uy tín; đồng thời tìm các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Ông Puih Lin, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gào, TP. Pleiku cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 4 già làng và 4 Người có uy tín. Tuy đa phần đều lớn tuổi nhưng những năm qua, các già làng, Người có uy tín luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. Đặc biệt, họ đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân, vận động bà con gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp, loại bỏ các tập tục lạc hậu, tham gia hòa giải để củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng
Người có uy tín đã phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong vận động người dân phát triển kinh tế |
Nhờ chăm chỉ phát triển kinh tế và tiên phong tham gia các hoạt động ở địa phương nên ông Siu Mak được người dân tin tưởng bầu làm Phó Trưởng thôn rồi Trưởng thôn A. Năm 2012, do phải thường xuyên đưa con gái thứ 2 vào TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh ung thư máu nên ông xin nghỉ. Tuy nhiên, với vai trò là Người có uy tín, ông vẫn tích cực tham gia các công việc quan trọng của làng; tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông tích cực tham gia tổ hòa giải xử lý các vụ mâu thuẫn trong làng.
Ông Mak cho hay: Trước đây, mỗi năm, trong làng xảy ra 5-7 vụ việc liên quan đến đất đai, mâu thuẫn vợ chồng gây mất tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng. Những lúc như vậy, ông đều suy nghĩ cách để hóa giải mâu thuẫn. Trong đó, ông nhớ nhất là mâu thuẫn giữa vợ chồng Siu Bi và Kpă Bíp. Mỗi lần vợ ghen tuông vô cớ, anh Bíp thường bỏ về nhà mẹ đẻ ở làng Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) và ông Mak đều phải sang tận nhà khuyên giải. Ròng rã 3 năm liền được ông Mak lui tới phân tích đúng - sai, bây giờ, vợ chồng họ không còn mâu thuẫn nữa mà bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ngày càng khá giả. “Người Jrai rất trọng tình cảm. Vì thế, trong các vụ việc hòa giải, tôi luôn lấy cái lý kết hợp với cái tình để khuyên giải hai bên nhằm tạo sự đồng thuận. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đặc biệt là mâu thuẫn vợ chồng. Vì vậy, tôi luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động vẫn quan trọng nhất và phải thực hiện một cách bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu” - ông Mak chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Siu Mak (bên trái) chia sẻ với ông Puih Lin kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế |
Nhận xét về ông Mak, ông Rơ Châm Săng - Trưởng thôn A cho hay: Nhờ có ông Mak tích cực tham gia hòa giải mà những năm qua, các mâu thuẫn trong làng đều sớm được giải quyết dứt điểm, tình đoàn kết trong làng luôn được củng cố. Đặc biệt, ông Mak tích cực tham gia cùng hệ thống chính trị của làng tuyên truyền, vận động người dân nói không với nạn tảo hôn, không tổ chức tang ma kéo dài. Đến nay, làng A chỉ còn 3 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Nhiều năm liền, làng được tặng danh hiệu “Làng văn hóa” cấp thành phố. Riêng bản thân ông Mak đã được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số”, 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2014 - 2018 và giai đoạn 2018 - 2020; được Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND xã Gào, Ủy ban MTTQ xã Gào và một số ban, ngành tặng Giấy khen vì có nhiều đóng góp cho việc củng cố khối đại đoàn kết và sự phát triển của địa phương.