Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gia Lai đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Năm, 31/10/2024 18:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển nông nghiệp, Gia Lai đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai xung quanh vấn đề này.

 Dây chuyền sơ chế chuối tiêu hồng của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. (Ảnh: Quang Tấn)

Hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phóng viên (PV): Gia Lai là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng tới các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Để tiếp tục khai thác thế mạnh cũng như thúc đẩy mô hình trên ngày càng phát triển, Gia Lai đã đưa ra những giải pháp nào để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Ngọc Có:  Gia Lai là tỉnh có diện tích đất tự nhiên là 1.551.013 ha, đứng thứ 2 cả nước. Tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh là 1.407.709 ha (trong đó có 837.643 ha đất sản xuất nông nghiệp). Tỉnh Gia Lai có 2 cao nguyên (cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng) đất đỏ bazan màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi là điều kiện thuận lợi và là nguồn lực quan trọng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Cùng với đó, Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, trong năm chia làm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô.

Với đặc thù là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Có thể nói, Gia Lai có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển nông nghiệp.

Trong thời gian qua, Gia Lai chú trọng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Điều đó đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch sử dụng đất tỉnh, huyện đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 202 - 2030. Bên cạnh đó, Gia Lai đã triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Cùng với đó, địa phương cũng đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án nông nghiệp công nghệ cao (Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND tỉnh; Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND tỉnh). Ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật Công nghệ cao; Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP; Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; triển khai Chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng, v.v… Ngoài ra, tỉnh còn ban hành các kế hoạch phát triển chuyên ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cơ cấu ngành, chuyển đổi cây trồng…

Để có thể kêu gọi đầu tư ngày càng nhiều vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn trên địa bàn ngoài các chủ trương như tôi vừa chia sẻ, thì thời gian qua, địa phương còn chủ động thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài như: Nhật, Mỹ, Úc, Ấn Độ…) cũng như thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, trong tỉnh.

Gia Lai cũng xác định rõ, trong bối cảnh hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn. Do vậy, tỉnh cũng chú trọng tới việc tổ chức đối thoại HTX, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Song song đó, tỉnh cũng triển khai có hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp, HTX, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. (Ảnh: Quang Tấn)

PV: Với chủ trương, giải pháp rất cụ thể trên, đồng chí có thể chia sẻ về những kết quả bước đầu, những mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai?

Đồng chí Đoàn Ngọc Có: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với diện tích 3.490 ha với các sản phẩm chính là: Cà phê, tiêu, trái cây (14 vùng sản xuất trái cây, 1 vùng hồ tiêu, 1 vùng sản xuất cà phê, 1 vùng rau hoa, 1 vùng dược liệu). Có 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đó là: Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú - TP Pleiku, Công ty Cổ phần chè Bàu Cạn - huyện Chư Prông và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp về cà phê.

Bên cạnh đó, Gia Lai cũng thu hút được 295 dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 133 dự án đã có Quyết định chủ trương đầu tư (trồng trọt: 29 dự án với diện tích 1.464,5 ha; kinh phí 4.009,26 tỷ đồng; chăn nuôi: 93 dự án với tổng diện tích 2.646,02 ha, kinh phí 14.471,66 tỷ đồng; trồng rừng: 11 dự án với diện tích 4.123 ha). Trong đó, có thể thấy đã có nhiều dự án đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả.

Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Vừa qua, Gia Lai cũng đã ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 33 vùng. Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ công nhận 8-10 doanh nghiệp và 6 khu nông nghiệp công nghệ cao.

Về các mô hình tiêu biểu, cho tới thời điểm này, trên địa bàn đã có một số mô hình hoạt động khá hiệu quả. Có thể kể tới như: Nhà máy chế biến Chanh leo của Công ty TNHH Quicornac tại Khu công nghiệp Trà Đa công suất chế biến 450 tấn/ngày; Khu nông nghiệp công nghệ cao Tập đoàn Nafood Group tại xã Chư Á, thành phố Pleiku, sản xuất giống chanh leo 4.000 cây/ngày, nhà máy chế biến công suất 350 tấn/ngày; Sản xuất cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh hiệp tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê 45 ha cà phê hữu cơ tiêu chuẩn của Mỹ (Organic USDA). Hay như mô hình sản xuất chuối già hương Nam Mỹ xuất khẩu tại xã Ia Pết, huyện Đak Đoa của Công ty TNHH Hưng Sơn;  Chăn nuôi sữa bò công nghệ cao của Tập đoàn Nutyfoood tại huyện Mang Yang với quy mô 13.000 con theo tiêu chuẩn GlobalGAP;  Nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty Thaco Agri với quy mô 70.000 con tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông…

Đây là những mô hình đã hoạt động, khai thác được tối đa các nguồn lực và cho hiệu quả rõ nét trên thực tế. Qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của Gia Lai nói chung.

Thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. (Ảnh: Nguyễn Hồng) 

PV:  Theo chia sẻ của đồng chí thì có thể thấy, mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được địa phương chú trọng và đã có những kết quả bước đầu. Vậy đầu ra của các sản phẩm này hiện nay như thế nào đặc biệt là tại thị trường nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính?

Đồng chí Đoàn Ngọc Có: Nhờ ứng dụng công nghệ cao mà có thể thấy các sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai luôn được các đối tác đón nhận. Đến nay, những sản phẩm nông sản nói chung và đặc biệt là sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Điển hình như cà phê công nghệ cao đã xuất khẩu đi 60 nước trên thế giới. 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt hơn 550 triệu USD. Bên cạnh đó, trái cây ứng dụng công nghệ cao cũng đã được xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, EU, Mỹ… với giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD.

PV: Từ thực tiễn trên địa bàn, đồng chí đánh giá như thế nào về tác động của các mô hình này đặc biệt là những tác động tới đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số?

Đồng chí Đoàn Ngọc Có: Trước hết, dưới góc độ giá trị về kinh tế, sản xuất nông nghiệp công nghệ đem lại doanh thu đạt 300 - 500 triệu đồng/ha cây trồng. Trong khi đó, bình quân thu nhập trên 1 ha cây trồng bình thường chỉ đạt 96 triệu đồng/ha. Như vậy, sản xuất nông nghiệp nông nghệ cao đem lại hiệu quả cao hơn nhiều trên 1 đơn vị diện tích.

Đối với chăn nuôi công nghệ cao cũng giảm thiểu được dịch bệnh, chăn nuôi theo quy mô trang trại, quy mô lớn, đem lại lợi nhuận cao. Ví dụ chăn nuôi heo, tổng chi phí đầu tư cho 1kg heo hơi là 46 ngàn đồng, giá bán 70 ngàn đồng, lợi nhuận đến 24 ngàn đồng/kg heo hơi.

Kết quả này đã tác động tích cực tới bà con, đời sống của người dân liên tục được nâng lên rõ rệt.

Trước hết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã làm thay đổi tư duy của người nông dân, HTX, doanh nghiệp. Họ đã từng bước nắm bắt quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Lựa chọn vật tư nông nghiệp có chất lượng, đi theo hướng hữu cơ để sản xuất; biết áp dụng công nghệ tiên tiến tưới tiết kiệm nước, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Hơn nữa, bà con biết mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đống gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thêm vào đó, sự liên kết sản xuất giữa người dân – hợp tác xã – doanh nghiệp đã theo chuỗi sơ chế, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, với việc đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn vào thực tế đã giúp cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi tập quán sản xuất, biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Minh chứng trên thực tế thấy rõ nhất là một số bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN