Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giá khí đốt châu Âu xuống thấp nhất kể từ năm 2021

Thứ Năm, 05/01/2023 16:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong phiên giao dịch ngày 4/1, giá dầu thế giới đã giảm do lo ngại về nhu cầu thấp của Trung Quốc và giá khí đốt của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 do thời tiết mùa Đông ôn hòa, cho phép các quốc gia sử dụng ít khí đốt hơn từ các kho dự trữ.

Giá khí đốt của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 do thời tiết mùa Đông ôn hòa.
(Ảnh: AFP) 

Giá dầu thô kéo dài mức giảm so với một ngày trước đó, giảm gần 5% do lo ngại về nhu cầu thấp tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID ở nước này gia tăng mạnh.

Theo đó, giá dầu WTI giao trong tháng 2 đã giảm 4,9% xuống 73,15 USD/thùng. Trong khi dầu Brent giao tháng 3, giảm 4,9% xuống 78,11 USD/thùng.

Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên bán buôn ở châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 do thời tiết mùa Đông ôn hòa làm giảm nhu cầu.

Châu Âu đang trải qua một mùa Đông ôn hòa hơn bình thường, với các thành phố lớn như Berlin (Đức) và Prague (Cộng hòa Séc) ghi nhận thời điểm bắt đầu tháng ấm nhất từ trước đến nay. Thời tiết ấm áp được dự báo sẽ kéo dài ở miền Trung và miền Nam châu Âu. 

Nhiệt độ cao hơn bình thường đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm và giảm bớt lo ngại về mức dự trữ khí đốt. Mức dự trữ hiện nay cao hơn khoảng 13% so với mức trung bình 5 năm.

Trước đó, ngày 2/1, Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Gazprom của Nga cho biết lượng khí đốt tập đoàn này xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã giảm 55% trong năm 2022.

Châu Âu vốn là thị trường chính của Gazprom nhưng nguồn cung từ Nga đã giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, các nước châu Âu đã nỗ lực lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt và phát động chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông.

Châu Âu hiện cũng đang tiếp tục nỗ lực tìm các nguồn khí đốt mới nhằm cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ Nga. Các nước thành viên EU cũng đã áp dụng cơ chế hạn chế giá khí đốt, song các chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh và một đợt lạnh đột ngột vẫn có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại.

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm hiện tại, giá khí đốt vẫn cao hơn nhiều lần so với mức trung bình dài hạn./.

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN