Giá điện và nguy cơ thiếu điện!
(ĐCSVN)- Giá điện thấp, người dân và doanh nghiệp sản xuất được lợi, nhưng lại khó thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước để phát triển điện năng. Đó là nghịch lý, và nếu chấp nhận nó, việc thiếu điện không còn là dự báo... “trên giấy”!
Theo tính toán của cơ quan chức năng, đến năm 2020, sản lượng điện cả nước phải đạt 240 tỷ kwh và năm 2030 đạt 500 tỷ kwh. Nếu không đạt được con số như dự báo, nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra.
Chống thiếu điện, đơn giản là phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, điện gió...Lý thuyết là thế, nhưng dưới độ góc độ môi trường, nguồn lực tài chình, thì giải bài toán chống thiếu điện có thể ví như.. “ma trận”!
Thủy điện là nguồn “cứu cánh” cho việc chống thiếu điện, nhưng nếu phát triển quá nhiều thủy điện (đặc biệt là thủy điện nhỏ) sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn hồ đập, đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sinh mạng của người dân vùng hạ du. Với những trở ngại khách quan và chủ quan, 3 năm qua, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang có tổng công suất 655 MW và 463 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất hơn 1.404 MW; không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng (trên 349 MW).
Điện gió được xem như nguồn điện sạch, nhưng không thể làm ở đâu cũng được. Đơn giản, điện gió chỉ phù hợp ở những địa bàn có gió và không có truyền tải điện.
Còn nhiệt điện than, trở ngại lớn nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đồng thời than không phải “ vàng đen” vô tận và giá cả hợp lý, kể cả nhập khẩu.
Đảm bảo đủ điện cho tương lai, nhất là điện sạch, còn có trở ngại gần như quyết định toàn bộ quá trình đầu tư, đó là nguồn vốn. Theo tính toán của cơ quan chức năng, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện và lưới điện (giai đoạn 2016 – 2020) khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm).
Ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển điện năng chủ yếu ưu tiên cho đầu tư cấp điện nông thôn, còn lại phải trông chờ vào nguồn vốn ngoài nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp trong nước (đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp nước ngoài gần như không mặn mà đầu tư vào các dự án phát triển điện năng. Lý đo đơn giản là suất đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu ...
Giá điện Việt Nam được xếp vào hàng thấp (hiện nay là 7,27 cent) so với các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Giá điện thấp, người dân và doanh nghiệp sản xuất được lợi, nhưng lại khó thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước để phát triển điện năng. Giá điện thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát điện năng và sử dụng không có ý thức tiết kiệm. Đó là nghịch lý, và nếu chấp nhận nó, việc thiếu điện không còn là dự báo... “trên giấy”!