Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giá dầu thế giới liên tục biến động

Thứ Ba, 15/02/2022 14:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tại phiên giao dịch sáng ngày 15/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới biến động trái chiều sau khi tăng vọt 2% trong phiên giao dịch trước đó do nhu cầu thế giới phục hồi, cùng với đó là căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine leo thang.

Giá dầu thế giới tiếp tục biến động do nhu cầu thế giới phục hồi và căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine leo thang. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, giá dầu thô Brent giao tháng 4/2022 giao dịch ở mức 96,19 USD/thùng, giảm 29 cent, tương đương 0,3% sau khi tăng 2,04 USD trong phiên giao dịch ngày 14/2.

Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3/2022 giao dịch ở mức 95,10 USD/thùng, giảm 36 cent, tương đương 0,4% sau khi tăng 2,36 USD trong phiên giao dịch đầu tuần.

Chốt phiên ngày 14/2, dầu thô Brent tăng 2,04 USD/ hay 2,2% lên 96,48 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, thời điểm giá dầu giao dịch ở mức 96,78 USD/thùng. Dầu WTI tăng 2,36 USD hay 2,5% lên 95,46 USD/thùng sau khi đạt 95,82 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Các chuyên gia nhận định, thị trường dầu thế giới vẫn tiếp tục “nhạy cảm” với những diễn biến về tình hình Nga – Ukraine khiến giá nhiên liệu vẫn tiếp tục leo thang. Giới phân tích cho rằng, sự xáo trộn nguồn cung năng lượng xung quanh vấn đề Nga – Ukraine có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng năng lượng trên phạm vi toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng năng lượng tăng cao.

Nga là một trong số những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và lo ngại nước này có thể xâm lược Ukraine đã khiến đà tăng giá dầu lên gần 100 USD/thùng, mức tăng chưa từng thấy kể từ năm 2014.

Tại một diễn biến khác,  Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo giá dầu thế giới tiếp tục biến động sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) vào đầu tuần này rằng nhu cầu dầu thế giới có thể tăng mạnh hơn nữa trong năm nay do kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

IEA cũng cho biết, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) có thể giúp xoa dịu các thị trường dầu đầy biến động nếu bơm thêm dầu thô vào thị trường. OPEC+ đã sản xuất thấp hơn mức mục tiêu 900.000 thùng/ngày trong tháng 1 vừa qua. OPEC+ đã gặp khó khăn để thực hiện cam kết tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 3. Giám đốc IEA Fatih Birol kêu gọi OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa mục tiêu đề ra và sản lượng thực tế.

Các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng giá dầu mặc dù giá dầu thô đã tăng hơn 30% trong vòng chưa đầy 3 tháng qua, cùng với đó là ngày càng có nhiều lo ngại về tình hình lạm phát và lãi suất tăng cao.

Trước đó, sau khi ghi nhận tăng 7 tuần liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, giá dầu tạm hạ nhiệt trong tuần này nhờ kỳ vọng vào tiến triển tích cực của đàm phán hạt nhân Iran - Mỹ.

Các nhà giao dịch hiện đang theo dõi diễn biến các cuộc đàm phán nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Vòng đàm phán mới nhất về việc hồi sinh JCPOA đã được nối lại tại Vienne (Áo) ngày 8/2 với kỳ vọng các bên sẽ đạt một thỏa thuận trong những tuần tới. Giới phân tích nhận định rằng bất kỳ tiến triển nào trong cuộc đàm phán hạt nhân mới nhất giữa Mỹ và Iran sẽ kiềm chế đà tăng mạnh của giá dầu./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN