Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ghi nhận từ “cuộc chiến” chống hủ tục ở một xã vùng cao

Thứ Năm, 15/09/2016 09:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để cải tạo hủ tục, thay đổi tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số, vấn đề quan trọng là phải phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đó là kinh nghiệm quan trọng trong “cuộc chiến” chống hủ tục ở xã vùng cao Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai…

Phối hợp tuyên truyền xây dựng đời sống mới ở bản Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn. Ảnh QM

Nỗ lực đẩy lùi hủ tục

Chúng tôi xin phép được gọi là “cuộc chiến” bởi để loại bỏ những hủ tục ra khỏi đời sống của người dân vùng cao là việc làm không hề đơn giản. Có đặt chân đến vùng cao, trực tiếp trao đổi, trò chuyện và sống với đồng bào người Mông ở xã Mản Thẩn mới thấy được tính chất khó khăn, phức tạp trong “cuộc chiến” chống lại những hủ tục lạc hậu ở nơi đây.

Cũng như phần lớn các xã vùng cao khác ở huyện Si Ma Cai, cuộc sống của đồng bào người Mông ở xã Mản Thẩn trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do bà con bị trói buộc bởi những phong tục, tập quán lạc hậu. Ông Giàng A Pản ở bản Say Sán Phìn kể lại: “Hủ tục đã làm cho đời sống bà con gắn liền với cái đói, cái nghèo. Nhiều người hiểu, nhiều người biết nhưng không ai dám nói khác, làm khác những tập tục lạc hậu. Nhiều nhà chỉ có duy nhất một con trâu để cày bừa, làm nương. Nhưng khi không may gia đình có người qua đời thì vẫn phải mổ trâu vì đó là tập tục, chẳng thể nào làm khác được”.

Không khó để kể ra những phong tục, tập quán lạc hậu đã “gắn bó” và khiến cho đói nghèo luôn đeo bám cuộc sống của người Mông ở Mản Thẩn. Đó là hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tục thách cưới cao, tổ chức tiệc cưới linh đình, dài ngày khiến nhiều gia đình phải mang nợ sau đám cưới; tục mổ trâu để làm ma cho người chết; tục để xác người chết trong nhà nhiều ngày rồi mới mang đi an táng… Mản Thẩn có những cô gái làm mẹ của 3, 4 đứa trẻ khi mới ngoài 20 tuổi. Cũng có không ít đám cưới, đám ma tốn kém hàng chục triệu đồng đã làm cho đời sống nhiều hộ gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, nghèo đói hơn.

Trước tình hình đó, xác định “đẩy lùi hủ tục là vấn đề quan trọng để mở đường phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, cấp ủy, chính quyền xã Mản Thẩn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng đời sống văn hóa mới, trọng tâm là vận động người dân cải tạo những phong tục, tập quán lạc hậu. Theo đó, công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đã được chú trọng thực hiện trước một bước. Xã đã thành lập và phân công các tổ công tác phụ trách từng thôn để trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con. Thành phần các tổ công tác bao gồm những đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, bản và những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tùy theo tình hình cụ thể, tổ công tác sẽ trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, họp bản, sinh hoạt chi bộ hoặc đến từng nhà để tuyên truyền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi trong “cuộc chiến” chống hủ tục ở xã Mản Thẩn đó là cách làm cụ thể, kiên quyết, dứt điểm của các tổ công tác. Đối với từng hủ tục, các tổ công tác đều xác định nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Trong đó, việc phát huy vai trò cán bộ, đảng viên và người có uy tín giữ vị trí rất quan trọng. Điển hình như trong loại bỏ tục tảo hôn, cán bộ lãnh đạo xã đã cùng đảng viên của các chi bộ và người có uy tín đến các gia đình khuyên nhủ về tác hại, hệ lụy của việc kết hôn sớm; đưa nội dung cấm tảo hôn vào hương ước thôn, bản và quy ước của các dòng họ… Với cách làm đó, nhiều tập tục lạc hậu như tổ chức ma chay, cưới hỏi rườm rà; thả rông gia súc, gia cầm… đã dần bị đẩy lùi khỏi đời sống của người dân Mản Thẩn.

Vì cuộc sống no đủ của người dân

Chia sẻ với chúng tôi, anh Giàng Seo Châu, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn cho biết, đồng bào người Mông ở Mản Thẩn luôn tin theo Đảng, tin theo Bác Hồ, không nghe theo lời xuyên tạc, dụ dỗ của các thế lực phản động. Tuy nhiên, do bị trói buộc bởi quá nhiều hủ tục lạc hậu nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, mục đích cuối cùng trong “cuộc chiến” chống hủ tục ở Mản Thẩn là làm sao xóa bỏ hết những tập tục lạc hậu, để mọi người có điều kiện phát triển sản xuất, tự do xây dựng cuộc sống mới, no đủ, hạnh phúc hơn.

Cùng với việc vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào người Mông không làm theo những tập tục lạc hậu, cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành, đoàn thể xã Mản Thẩn còn thường xuyên chú trọng hướng dẫn bà con cách thức phát triển sản xuất gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước đã được lồng ghép để tạo động lực giúp người dân vươn lên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013 - 2015, đã có trên 100 hộ dân được hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, chuồng nuôi gia súc bảo đảm hợp vệ sinh. Trạm Y tế xã cũng được đầu tư nhiều trang thiết bị mới qua đó nâng cao hiệu quả tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đẩy lùi hiện tượng mời thầy mo, thầy cúng mỗi khi bị bệnh. Tính chung trong toàn xã Mản Thẩn, đến đầu năm 2016 đã có hơn 90% số hộ có công trình vệ sinh bảo đảm. Từ năm 2013, tình trạng tảo hôn, tổ chức đám ma dài ngày trên địa bàn xã đã hoàn toàn chấm dứt. Tiêu biểu là tại các bản Say Sán Phìn, Sẻ Mản Thẩn, Sang Mản Thẩn, Sỉn Chù… Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai, là xã có tới hơn 95% dân số là đồng bào người Mông, thời gian qua Mản Thẩn được biết đến như là một “điểm sáng” trong công tác xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Người dân không chỉ được “cởi trói” khỏi những phong tục cổ hủ mà còn tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, những kinh nghiệm của Mản Thẩn sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn huyện.

Thực tế “cuộc chiến” chống hủ tục ở xã vùng cao Mản Thẩn cho thấy, những tập quán lạc hậu đã ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, chỉ có thể đẩy lùi những hủ tục đó bằng việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đồng thuận của nhân dân và vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Khi những hủ tục đã không còn chỗ đứng trong đời sống người dân, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước sẽ là tiền đề thuận lợi để bà con có thể vững bước vươn lên xây dựng cuộc sống mới, phát triển, ấm no./.

Quang Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN