GDP năm 2023 của Việt Nam tăng 5,05%
(ĐCSVN) - Số liệu vừa công bố sáng nay (29/12) của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2023 tăng 5,05% so với 2022, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, GDP quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ 2022, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương (Ảnh: HNV) |
Trên cơ sở tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy không đạt so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, phát huy thành tựu, khắc phục tồn tại của năm 2023, bước sang năm 2024, cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp để duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, cụ thể:
Một là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo đó chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Hai là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường hơn 100 triệu dân trong nước.
Ba là, bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện về giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.
Bốn là, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung đồng thời với tăng cường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm đầu ra. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.
Năm là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn, công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn, công khai minh bạch tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tạo đồng thuận, đoàn kết trong toàn xã hội và hợp tác quốc tế./.