Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gặp gỡ nhà khoa học “đam mê” nghiên cứu khí tượng và biến đổi khí hậu

Thứ Năm, 22/04/2021 14:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – “Chúng ta cần những cú hích để tạo ra đội ngũ làm khí tượng chất lượng cao, chuyên tâm và say mê với ngành. Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội, giải quyết được những bài toán thực tiễn và cấp thiết dự báo thiên tai và nghiên cứu biến đổi khí hậu”.

PGS.TS. Ngô Đức Thành, Trường Đại học Khoa học & Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: Bích Liên) 

Đó là chia sẻ của PGS.TS. Ngô Đức Thành, Trường Đại học Khoa học & Công nghệ Hà Nội – nhà khoa học trẻ vừa nhận được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Chân thành và đầy nhiệt huyết của người làm khoa học, gặp gỡ chúng tôi, PGS.TS Thành cho biết: Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu là một thách thức đương đại mà nhân loại đang đối mặt. Nhiều nguồn lực về tính toán và con người được thế giới tập trung để đưa ra những kịch bản BĐKH trong tương lai theo các giả định khác nhau. Năm 2012, tại một hội thảo quốc tế ở Việt Nam do PGS.TS. Ngô Đức Thành đồng tổ chức, dự án phối hợp chi tiết hóa khí hậu khu vực CORDEX-SEA (Coordinated Regional Climate Downscaling Experiments – Southeast Asia) được thành lập với mục tiêu chia sẻ tài nguyên tính toán, nhân lực và đẩy mạnh các nghiên cứu cho khu vực Đông Nam Á.

Ngay khi CORDEX-SEA được khởi xướng, PGS.TS. Ngô Đức Thành cùng các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu công trình mô phỏng các yếu tố mưa và nhiệt độ cực đoan cho khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu tập trung vào một số yếu tố khí hậu cho toàn khu vực Đông Nam Á như số ngày mưa lớn, số ngày mưa hoặc không mưa liên tiếp, số ngày nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh...Đây cũng chính là công trình giúp anh được xướng tên trong danh sách đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 – công trình “Đánh giá khả năng của mô hình RegCM4 trong việc mô phỏng các chỉ số cực đoan mưa và nhiệt độ trên khu vực CORDEX-Đông Nam Á”.

Theo PGS.TS. Ngô Đức Thành, hiện nay có nhiều mô hình với các cấu hình tham số khác nhau có thể dùng để tính toán BĐKH trong tương lai cho toàn cầu cũng như cho các khu vực riêng rẽ như Đông Nam Á. Tuy nhiên, mô hình khác nhau sẽ cho sai số khác nhau ở những quốc gia, khu vực, thời gian khác nhau.

Trong quá trình hơn 4 năm thực hiện, PGS.TS. Ngô Đức Thành và các đồng nghiệp quốc tế đã thực hiện 18 thí nghiệm mô phỏng để từ đây tìm được một cấu hình mô hình phù hợp nhất, tối ưu nhất có khả năng biểu diễn các yếu tố khí hậu cực đoan mưa và nhiệt trên khu vực. 18 thí nghiệm cũng được xếp hạng, từ đó lựa chọn được bộ tham số mô hình tối ưu nhất, phục vụ việc chạy dự tính biến đổi khí hậu dài hạn cho đến cuối thế kỷ 21.

Sau khi được công bố, công trình nhận được sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài khu vực. Với việc đưa ra bộ tham số mô hình tối ưu nhất cho các thí nghiệm mô phỏng dài hạn ở khu vực Đông Nam Á, công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực và thời gian tính toán khi dự tính BĐKH trong tương lai cho toàn khu vực.

Kết quả nghiên cứu bước đầu khả quan, nhưng mọi thứ chưa dừng lại. PGS.TS. Ngô Đức Thành cho hay, cùng với các kết quả thu được, nhiều câu hỏi lớn lại được mở ra: Đâu là nguyên nhân của sự tăng giảm mưa khác biệt trên các vùng khác nhau của khu vực? Các sự biến đổi trong chế độ nhiệt mưa ảnh hưởng thế nào đến các hiện tượng cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng…?

Tuy nhiên, điều mà PGS.TS. Ngô Đức Thành thấy yên tâm và tự tin nhất đấy là sự liên kết bắt tay của các nhà khoa học quốc tế. Chưa bao giờ sự hợp tác liên quốc gia trong lĩnh vực còn vô cùng thách thức như khí tượng và BĐKH được phối hợp chặt chẽ như thế.

Nói thêm về thành công của công trình, PGS.TS Thành cho biết: Đây không chỉ là niềm vinh dự cho từng cá nhân nhà khoa học mà còn là một cơ hội để lĩnh vực khí tượng/khí hậu vốn "lặng lẽ" và kén người học, người làm nhận được sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của xã hội.

Trăn trở về lĩnh lực này chưa được nhiều người quan tâm, anh bày tỏ: Hiện có rất ít người trẻ quan tâm theo học ngành này vì đây cũng là một vấn đề thách thức. “Những năm gần đây, mỗi khóa chỉ tuyển được rất ít sinh viên, dẫn đến việc ngành này thường lấy điểm tương đối thấp, trong khi lại là ngành rất cần những người giỏi cả toán, lý và tin học”.

Ngoài ra, trong quá trình công tác anh đã chứng kiến “những dòng chảy người đến và đi” ở một số đơn vị nghiên cứu về khí tượng thủy văn, một phần do điều kiện làm việc, mức thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống đã không thu hút được họ. “Chúng ta cần những cú hích để tạo ra đội ngũ làm khí tượng chất lượng cao và có thể chuyên tâm, say mê với ngành. Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội, giải quyết được những bài toán thực tiễn và cấp thiết như dự báo thiên tai hoặc nghiên cứu biến đổi khí hậu”, PGS.TS Thành chia sẻ./.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao tặng hàng năm bởi Bộ KH&CN nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Năm 2021, cùng với TS. Bùi Minh Tuân, PGS. TS. Ngô Đức Thành, một nhà khí tượng nổi tiếng được đề cử hạng mục “Giải thưởng chính” của giải thưởng này. Dự kiến Lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức vào ngày 18/5 – Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thúy Hằng - Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN