Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gặp gỡ các Chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022

Thứ Tư, 21/12/2022 21:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Buổi giao lưu có ý nghĩa truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng khi các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 chia sẻ về cuộc đời, động lực cũng như hành trình nghiên cứu để tạo nên những phát minh đoạt giải.

 Chương trình Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022. Ảnh: TL

 Ngày 21/12, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội) đã diễn ra Chương trình Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022.

Sự kiện “Chào Tương lai” cho thấy các nhà khoa học đoạt giải với những vai trò mang tầm vóc kiến tạo thế giới: đồng cảm, hàn gắn, tiên phong và thay đổi. Các khách mời kể những câu chuyện cuộc đời với sự khó khăn, thách thức trong hành trình nghiên cứu khoa học, những kinh nghiệm quý giá tích lũy sau nhiều năm làm việc và cống hiến. Buổi giao lưu có sự tương tác đa chiều giữa các chủ nhân giải thưởng và khán giả là các nhà khoa học tiêu biểu trong và ngoài nước, các sinh viên tài năng, giới doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp và những khán giả có niềm yêu thích và quan tâm tới khoa học.

Tại buổi giao lưu, công chúng có cơ hội trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe các chủ nhân giải thưởng VinFuture chia sẻ, truyền cảm hứng về hành trình nghiên cứu khoa học.

Mở màn chương trình là phần diễn thuyết của GS Thalappil Pradeep (Ấn Độ), người giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, trị giá 500.000 USD với công trình công nghệ chi phí thấp để loại bỏ Asen khỏi nước ngầm. Pradeep tìm ra các vật liệu phù hợp và tiên tiến nhất để loại bỏ các chất gây ô nhiễm cụ thể trong nước theo cách tiết kiệm chi phí nhất và bền vững.

Chủ nhân của Giải đặc biệt VinFuture 2022 chia sẻ tình yêu với môn Hóa học. Ông cho biết, những năm 2000, khi trở thành giảng viên đại học, ông bắt đầu suy nghĩ: Hóa học giúp gì cho người dân Ấn Độ?

Rồi ông lại suy nghĩ: Nước trên toàn cầu khối lượng không đổi. Nước là giới hạn và không có một giọt nước nào bên ngoài vũ trụ tiếp cận được Trái đất để tăng thêm nguồn cung nước. Vậy ta buộc phải sử dụng nguồn nước hạn chế ấy. Làm sao sử dụng xong sẽ quay lại, dù là nước sử dụng trong xây dựng, sinh hoạt?...Từ những suy nghĩ đó dẫn đến đam mê. Việc nghiên cứu thành công hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp, góp phần mang lại nguồn nước sạch cho hàng trăm triệu người sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm trên thế giới đã mang lại vinh quang cho Giáo sư Thalappil Pradeep.

Một trong số 5 chủ nhân Giải chính VinFuture Grand Prize trị giá lớn nhất (3 triệu USD) của công trình giúp biến Internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực, tin điều quan trọng nhất giúp người làm nghiên cứu thành công là trí tò mò.

Tiến sĩ Emmanuel Desurvire (67 tuổi, người Pháp), được biết đến với nghiên cứu tiên phong về vật lý của bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EDFA) và hoạt động đa kênh. Công trình cho phép tăng cường tín hiệu nội tuyến ánh sáng đa màu sắc trong mạng cáp nội bộ, cáp xuyên lục địa, và cáp ngầm dưới biển, rất cần cho cơ sở hạ tầng cáp quang để tạo nền tảng cho mạng World Wide Web và Internet.

Ông chia sẻ, phát minh là hoàn toàn tình cờ, gọi đó là một phần của may mắn. Ban đầu, TS Desurvire nghiên cứu về máy tính quang học. Người cố vấn nói tại sao ông không nghiên cứu về hiệu ứng sợi quang. Khi đưa điện vào, ánh sáng không thể phát tán đúng, bị khuếch tán khắp nơi. Thủy tinh làm ảnh hưởng quá trình truyền tín hiệu, tức là vật liệu ảnh hưởng việc truyền tải sóng ánh sáng.

Do đó, nếu dùng bộ khuếch đại Erbium, thay vì khuếch tán thì nén lại và đi đường thẳng với hiệu suất cao và có thể đi qua biển. Theo nhà khoa học Pháp, mỗi người nghiên cứu có thể đưa ra giả thuyết khi nghiên cứu. Trong vật lý một lý thuyết hiệu quả có thể áp dụng ở các lĩnh vực khác, như khoa học máy tính. “Hãy quan tâm tới cả những thứ không thuộc chuyên ngành của mình, điều ấy giúp suy nghĩ rộng hơn và để trí não phát hiện ra vấn để liên quan đến nghiên cứu”, TS Emmanuel Desurvire cho hay.

Tại buổi giao lưu, các Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022 còn mang tới các bài thuyết trình về các dự án nghiên cứu, đưa ra góc nhìn và giải pháp cho các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường sống, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng các đột phá khoa học trong quá trình tái thiết và hồi sinh xã hội hậu đại dịch…/.

 

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN