Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gần 98% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hạn

Thứ Tư, 18/09/2024 19:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, nhiều chỉ tiêu về cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu được giao, nổi bật là: 97,9% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn; 81,4% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; 89,5% dịch vụ thanh toán trực tuyến được triển khai; 97,7% người dân hài lòng với dịch vụ công trực tuyến…

 Các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. (Ảnh: Thu Phương).

Thông tin được đưa ra tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 tỉnh Hà Giang, diễn ra vào ngày 18/9. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024.

Báo cáo tại phiên họp cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, công tác CCHC, cải cách TTHC, chuyển đổi số, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và ghi nhận. Nhiều chỉ tiêu về CCHC gắn với CĐS đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, 97,9% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn; 81,4% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; 89,5% dịch vụ thanh toán trực tuyến được triển khai; 97,7% người dân hài lòng với dịch vụ công trực tuyến.

Về CCHC, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ trước và đúng hạn: 35/41 nhiệm vụ, đạt 85,37%. Tổ chức bộ máy tiếp tục được rà soát, kiện toàn, toàn tỉnh đã giảm 123 đơn vị đạt 13,7% so với năm 2015. Toàn tỉnh hoàn thành 67/83 nhiệm vụ Đề án 06, đạt tỷ lệ 81. Nhiều ứng dụng của Đề án 06 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực như: Sử dụng thẻ Căn cước thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh; thông báo lưu trú qua VNeID; thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực chi trả chính sách an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, thu nộp học phí. Hoàn thành 15/20 chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số và an toàn thông tin, đạt tỷ lệ 75%.

 Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Phương Thùy).

Theo kết quả tổng hợp Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử 9 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Hà Giang đạt 82,89 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, xếp loại Tốt. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đạt mức độ C, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 48 bậc so với kết quả Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá năm 2023).

Phiên họp tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, CĐS và Đề án 06; chỉ rõ hạn chế, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nội dung còn chậm tiến độ để xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá trong thời gian tới.

Kết luận Phiên họp, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 và CCHC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích, tiện ích của Đề án 06, thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID, dịch vụ công trực tuyến...

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là về công nghệ thông tin, kỹ năng số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về CCHC, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho triển khai Đề án 06. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 06 và Kế hoạch CCHC năm 2024. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nâng cao tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến…

Ngày 29/7/2024, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định hợp nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Ban Điều hành Chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Hà Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ngoài ra còn có Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác thực hiện Đề án 06; Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác Cải cách hành chính; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác Chuyển đổi số.


PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN